Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ra chỉ thị thúc đẩy phát triển hạ tầng số
Theo nội dung Chỉ thị số 02 vừa ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố và giám đốc các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp, các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện một số nội dung như:
Tăng cường quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản pháp luật về lĩnh vực hạ tầng số; các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo thực hiện quy hoạch, đầu tư, xây dựng các công trình giao thông, các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, nhà chung cư, nhà ở xã hội, khu đô thị mới phải ưu tiên và bắt buộc có không gian, hạ tầng kỹ thuật dùng chung dành cho lắp đặt công trình kỹ thuật viễn thông; hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng các công trình kỹ thuật viễn thông thụ động theo thẩm quyền.
Khi quy hoạch, chuẩn bị đầu tư các dự án, xây dựng công trình phải thông báo cho các doanh nghiệp viễn thông biết để phối hợp đầu tư, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiệu quả; cho phép các công trình viễn thông được xây dựng, lắp đặt trên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật; hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai lắp đặt bổ sung hạ tầng phục vụ phát triển mạng 5G.

Chỉ thị cũng nhấn mạnh, phải tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đầu tư triển khai 5G, phát triển các ứng dụng 5G (use cases) phục vụ các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội; tiến hành đánh giá đầy đủ hiện trạng hạ tầng Internet vạn vật (IoT) đã đầu tư của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị trực thuộc; xác định được nhu cầu ứng dụng IoT trong các lĩnh vực như đô thị thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, năng lượng, điện, nước, đô thị, quan trắc tài nguyên, môi trường,... lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện thực tế. Triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số.
Ngoài ra, chỉ thị cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong triển khai phát triển hạ tầng số. Trong đó, Sở TT&TT tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng băng rộng cố định, băng rộng di động (4G, 5G), đặc biệt tại các khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung về phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Thái Nguyên hiện nằm trong top 10 tỉnh của cả nước dẫn đầu về hạ tầng số. Trong Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh Thái Nguyên cũng đề ra nhiều mục tiêu cho hạ tầng số như: Mạng 5G với tốc độ tối thiểu 100 Mbps, phủ sóng tại 100% trường đại học và bệnh viện (năm 2024); 100% khu dân cư phủ sóng 5G trong năm 2025; 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng rộng di động 4G/5G; Phổ cập kết nối cáp quang băng rộng tới hộ gia đình; 100% khách hàng có nhu cầu đều có truy cập FTTH tốc độ Gbps; Mời gọi thu hút đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu (DataCenter) (quy mô trên 1000 racks, trên 10MW) để cung cấp dịch vụ dữ liệu cho vùng trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt các doanh nghiệp FDI; Nâng cấp trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh, phục vụ lưu trữ dữ liệu và triển khai các ứng dụng chuyển đổi số; Triển khai Trung tâm trải nghiệm ứng dụng 5G...