Chứng khoán châu Á tiếp đà trượt dốc khi virus Corona giết chết 106 người
Chỉ số Kospi trên thị trường Hàn Quốc giảm 3,09%, đóng cửa ở mức 2.176,72 điểm trong khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tụt 0,55%, đóng cửa ở mức 23.215,71 điểm còn chỉ số Topix giảm 0,6%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 1.692,28 điểm.
Tại Australia, chỉ số S & P / ASX 200 giảm 1,35% xuống 6.994,50 điểm. Chỉ số Straits Times tại Singapore cũng giảm 2,17% trong phiên giao dịch buổi chiều.
Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á trừ Nhật Bản đã giảm 0,81%.
Thị trường Trung Quốc và Hồng Kông hiện vẫn đóng cửa do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Chứng khoán châu Á đã giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch đầu tuần sau khi dịch virus Corona tại Trung Quốc lan ra hàng chục quốc gia trên toàn cầu. Tính đến 5 giờ chiều 28/1 (giờ Trung Quốc), đã có tới 106 ca tử vong và hơn 4.600 ca xác nhận nhiễm virus Corona tại Trung Quốc.
Cổ phiếu lĩnh vực hàng không giảm mạnh nhất do chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp “cách ly” hàng chục thành phố với tổng số cư dân thuộc diện “cách ly” ước tính hơn 50 triệu người. Cụ thể, cổ phiếu hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc đã giảm mạnh 6,69% trong khi cổ phiếu Qantas Airline của Australia giảm 5,22% còn Singapore Airlines giảm 2,95%.
“Trong bối cảnh số ca nhiễm virus và tử vong tăng lên theo cấp số nhân, tôi cho rằng các công ty du lịch cũng như cả ngành du lịch sẽ phải thận trọng hơn trong việc đánh giá những ảnh hưởng” - trích lời James Hardiman, giám đốc điều hành công ty phân tích thị trường Wedbush Securities.
Trước mắt, ngoài ngành du lịch nội địa Trung Quốc, những báo cáo về dịch bệnh nhiều khả năng cũng sẽ gây áp lực đối với các tour du lịch bên ngoài Trung Quốc, những quốc gia lân cận nơi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, ông Hardiman nói thêm.
Trong phiên giao dịch trước đó tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đã giảm mạnh 453,93 điểm xuống mức 28.535,80 điểm, xóa sạch mức tăng từ đầu năm 2020 đến nay. S & P 500 cũng giảm mạnh 1,6% xuống 3.243,63 điểm trong khi Nasdaq Composite có ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2019, giảm 1,9% xuống còn 9.139,31 điểm.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao đao, chỉ số đô-la Mỹ theo dõi sức mạnh đồng bạc xanh lại tăng từ mức dưới 97,6 hồi tuần trước lên 97,954 hôm 28/1.
Giá dầu có phiên giao dịch hỗn hợp sau khi dầu thô Brent giảm nhẹ xuống 59,27 USD/ thùng còn giá dầu WTI tương lai tăng nhẹ lên 53,17 USD/ thùng.