Chứng khoán chưa thoát đà giảm, VN-Index có thể xuống "đáy" 720 điểm

12/08/2020 06:59 GMT+7
Mặc dù thị trường chứng khoán đã có những phiên tăng sốc bất chấp sự phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nhưng VN-Index vẫn được dự báo có thể xuống "đáy" 720 điểm.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) Chiến lược đầu tư tháng 8/2020. Theo đó, VDSC khuyến cáo nhà đầu tư cần thận trọng trước bức tranh vĩ mô kém khởi sắc.

Nhà đầu tư bớt hoảng loạn

Kể từ sau khi hồi phục và đạt đỉnh 900 điểm vào giữa tháng Sáu, thị trường đã liên tục điều chỉnh và đang ở ngưỡng 800 điểm. VDSC cho rằng việc điều chỉnh của thị trường là hoàn toàn hợp lý khi mà số liệu vĩ mô không hồi phục nhanh như kỳ vọng trước đó, bên cạnh làn sóng dịch bệnh thứ hai quay trở lại khiến khả năng nền kinh tế hồi phục nhanh trong 6 tháng cuối năm càng khó xảy ra.

Tuy nhiên, VDSC không đánh giá cao khả năng thị trường quay trở lại đáy cũ khi mà nhà đầu tư đã bắt đầu có những cơ sở để đánh giá tác động của dịch bệnh thay vì tâm lý hoảng loạn trong đợt I. Ngoài ra có một số điểm giống và khác nhau cơ bản so với đợt dịch đầu tiên.

Đầu tiên là lực bán ròng của khối ngoại không quá lớn như giai đoạn I. Khối ngoại bán ròng mạnh trong giai đoạn đầu tiên và gây áp lực lên thị trường chung. Tuy nhiên, điều này sẽ khó có khả năng lặp lại do thanh khoản tiền đô được đảm bảo bởi Ngân hàng Trung Ương Mỹ (Fed) và bên cạnh đó là việc Việt Nam đồng đang giao dịch ổn định và NHNN sẵn sàng điều tiết ổn định tỷ giá.

Chứng khoán chưa thoát đà giảm, VN-Index có thể xuống "đáy" 720 điểm - Ảnh 1.

Chứng khoán chưa thoát đà giảm, VN-Index có thể xuống "đáy" 720 điểm

Thứ hai là việc dòng tiền từ trong nước dồi dào ở cả hai thời điểm. Làn sóng thứ hai quay trở lại sẽ khiến khả năng hấp thụ tín dụng vốn đã yếu trong sáu tháng đầu năm sẽ không được cải thiện đáng kể. Do đó khả năng cao lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ở mức thấp do thanh khoản trong hệ thống đang khá dư thừa.

Trong khi nhu cầu hấp thụ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh có giới hạn, khả năng các dự án bất động sản mở bán rầm rộ cũng không cao khi Chính phủ khuyến cáo hạn chế tập trung đông người để ngăn chăn dịch bệnh lây lan.

Trong bối cảnh đó, thị trường cổ phiếu, mặc dù biến động mạnh trong thời gian qua, vẫn tiếp tục là một kênh đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có thể chậm hơn so với kỳ vọng trước đó. Trong khi thị trường chứng khoán hồi phục thần tốc thì số liệu kinh tế như hoạt động sản xuất và tiêu dùng tăng trưởng không ấn tượng. Có những thời điểm Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2020 trước khi điều chỉnh mục tiêu xuống còn 3-4% hiện nay.

Ngoài ra, kỳ vọng về việc mở cửa đường bay thương mại quốc tế có thể sẽ phải điều chỉnh lại khi khả năng dịch bùng phát luôn hiện hữu. Do đó, kỳ vọng về kinh tế hồi phục nhanh chóng ở Việt Nam ngay từ nửa cuối năm nay sẽ cần xem xét một cách kỹ lưỡng.

Tóm lại, VDSC cho rằng thị trường sẽ phản ứng không quá tiêu cực trong đợt dịch bùng phát lần 2 này sau khi nhà đầu tư đã có kinh nghiệm hơn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán vẫn tỏ ra khá hấp dẫn trong bối cảnh dòng tiền ứ đọng và các kênh đầu tư khác chưa có nhiều khởi sắc.

VN-Index có thể xuống đáy 720 điểm

Với việc làn sóng thứ hai của dịch bệnh bùng phát, khả năng hồi phục của nền kinh tế trong phần còn lại của năm sẽ khó khăn hơn so với kỳ vọng trước đây bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, tiêu dùng nội địa phục hồi chậm: Sự lây lan dịch bệnh đang tác động tiêu cực tới cả 2 phương diện, cầu tiêu dùng và tần suất di chuyển của người dân.

Thứ hai, kinh tế thế giới suy thoái: Việt Nam vẫn là một nước phụ thuộc nhiều xuất khẩu nên việc các nền kinh tế lớn trên thế giới suy thoái sẽ kéo theo đơn đặt hàng giảm và từ đó tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn vẫn có những yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế và nổi bật nhất chính là động thái đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ. Trong làn sóng thứ hai của dịch bệnh, thị trường cũng ghi nhận những phiên giảm điểm mạnh nhưng nhìn chung nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn và không còn cảnh bán tháo như thời điểm đầu tháng 3/2020.

Dựa trên những hành động quyết liệt của Chính phủ cùng với kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh trong lần trước, VDSC tin rằng vùng đáy của thị trường sẽ là đỉnh của dịch (số ca nhiễm mới cao nhất) và được dự báo có thể rơi vào khoảng 4/8-6/8.

Tuy nhiên, trong trường hợp tiêu cực nhất khiến Chính phủ thông báo giãn cách xã hội hai thành phố lớn, VDSC cho rằng có khả năng VN-Index giảm xuống ngưỡng 720. Dòng tiền trong nước dồi dào trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp nhưng thị trường giảm không đủ sâu để tạo tâm lý "tham lam" cho dòng tiền này. Do đó thị trường sẽ không có nhiều động lực để bật mạnh như giai đoạn trước.

Cộng thêm sự khó lường của tình hình vĩ mô trong nước, VDSC cho rằng trong ngắn hạn nhà đầu tư nên tiếp tục để dành sức mua và chỉ giải ngân vào những ngành/công ty có triển vọng rõ ràng. Ngành vật liệu xây dựng (đá, sắt thép, nhựa đường) được cho là hưởng lợi mạnh mẽ từ làn sóng đầu tư công khi một số đại diện như PLC, DHA đạt kết quả kinh doanh tích cực trong Q2/2020. Hay các doanh nghiệp ngành chăn nuôi với việc hưởng lợi nhờ giá bán thịt heo trong nước luôn duy trì ở mức cao cũng hứa hẹn sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2020 như DBC.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục