Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ bất chấp biểu tình, bạo động
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 91,91 điểm, tương đương 0,4%, đóng cửa ở mức 25.475,02 điểm. S & P 500 tăng 0,4% lên 3.055,73 điểm trong khi Nasdaq Composite tăng 0,7% để kết thúc phiên ở mức 9.552,05 điểm.
Đây là phiên đóng cửa cao nhất của S&P 500 kể từ đầu tháng 3/2020 đến nay. Nasdaq cũng chứng kiến phiên giao dịch cao chưa từng có kể từ cuối tháng 2.
Các cổ phiếu ngành hàng không tăng trưởng mạnh trong bối cảnh kỳ vọng nền kinh tế mở cửa trở lại. Cổ phiếu American Airlines và Delta tăng lần lượt 5,8% và 3,8%, trong khi cổ phiếu United Airlines tăng 5,1%.
Các cổ phiếu hưởng lợi từ sự khôi phục kinh tế như Carnival, Norwegian Cruise Line và Royal Caribbean đều tăng ít nhất 6,7%.
Hồi tuần trước, S&P 500 và Dow Jones cũng tăng hơn 3% mỗi chỉ số còn Nasdaq Composite tăng 1,8% khi các nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu khôi phục trở lại, chấm dứt thời gian “đóng băng” đo đại dịch Covid-19. Kết thúc tháng 5, Dow Jones tăng 4,3% còn S&P 500 nhích 4,5% và Nasdaq Composite tăng 6,8%. Tháng 4 chứng kiến chuỗi thắng lợi lớn hơn của chứng khoán Mỹ khi S&P 500 tăng 12,7% còn Dow Jones tiến hơn 11%.
Dù vậy, mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ đầu tháng 6 diễn ra khá dè dặt khi các cuộc biểu tình, bạo lực lan rộng khắp nước Mỹ sau cái chết của một người đàn ông da màu thổi bùng căng thẳng về nạn phân biệt chủng tộc. Thêm vào đó, căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng sau khi Trung Quốc phê duyệt dự luật an ninh quốc gia với Hồng Kông cũng khiến thị trường quan ngại. Có một điểm sáng ở đây là thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vẫn giữ nguyên và các bên đang nỗ lực thúc đẩy cam kết trong thỏa thuận, theo các nguồn tin liên quan.
Peter Berezin, chiến lược gia toàn cầu tại BCA Research nhận định giờ đây rủi ro chính mà thị trường chứng khoán Mỹ phải đối mặt là một làn sóng dịch Covid-19 thứ hai. Nếu mối lo ngại về sự bùng phát leo thang, các tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.