Chứng khoán Mỹ đang ở thời kỳ rực rỡ nhất nhưng nông nghiệp Mỹ thì không
Chứng khoán Mỹ đã chứng kiến phiên giao dịch với những mức đỉnh lịch sử mới hôm Thứ Sáu tuần trước sau khi cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow thổi bùng lên kỳ vọng hồi sinh thỏa thuận Mỹ Trung. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones vượt mốc 28.000 điểm còn S&P 500 và Nasdaq Composite cũng lập kỷ lục mới. Trong khi Dow Jones kết thúc tuần tăng thứ 4 liên tiếp, S&P 500 cũng đánh dấu tuần tăng thứ 6 liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 11/2017 khi chiến tranh thương mại chưa khơi mào.
Trái ngược với bối cảnh rực rỡ của thị trường chứng khoán, ngành nông nghiệp Mỹ lại càng lúc càng ảm đạm với doanh thu của hàng loạt trang trại bang Colorado, Kansas, Nebraska, Oklahoma, Wyoming, Tây Missouri và Bắc New Mexico giảm mạnh, theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Chi nhánh Kansas.
“Doanh thu từ các trang trại nông nghiệp ở các tiểu bang đã giảm mạnh so với một năm trước bất chấp các khoản trợ cấp Chính phủ. Chi tiêu hộ gia đình và đầu tư kinh doanh đều giảm. Nhiều khả năng xu hướng này sẽ tiếp tục” - báo cáo của FED chi nhánh Kansas.
Người nông dân Mỹ lâu nay đã phải chật vật để thoát khỏi nguy cơ suy thoái từ năm 2013, nhưng giờ đây tình hình đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết bởi cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu qua Canada và Mexico giảm sút cùng hàng loạt điều kiện thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, băng tuyết, hạn hán...
Ở bang nông nghiệp Iowa, nơi 85% diện tích được sử dụng để canh tác nông nghiệp, doanh thu từ các sản phẩm nông sản cũng đang chững lại. Nợ nông nghiệp của bang Iowa hiện lên tới 18,9 tỷ USD trong quý II, mức cao nhất trên toàn nước Mỹ dựa trên dữ liệu của Đại học Ohio.
Bất chấp những khoản viện trợ nông nghiệp lên tới 28 tỷ USD để bù lỗ cho chiến tranh thương mại mà Tổng thống Donald Trump phê duyệt, có tới 44% các trang trại, nhà sản xuất nông sản bang Iowa vẫn đang vật lộn để trang trải các khoản chi phí đầu vào. Ngày càng khó khăn để thu về lợi nhuận cho nông dân. Các chuyên gia nhận định những khoản viện trợ chỉ làm chậm lại tình hình tồi tệ trên thị trường nông sản Mỹ, chứ không đủ để đảo ngược xu hướng sụt giảm doanh thu. Nông dân Mỹ đã phải đối diện với bài toán giảm chi phí sản xuất bao gồm cả bán thiết bị sản xuất và đất không sử dụng để duy trì hoạt động của trang trại.
Theo một thống kê của Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ, tính đến tháng 9.2019, các vụ phá sản trang trại đã tăng tới 24%, lên mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay do ảnh hưởng nặng nề của thương chiến Mỹ Trung và thiên tai. Trong đó, các trường hợp phá sản ở bang Winconsin, một trong 5 bang nông nghiệp sản xuất sữa lớn nhất nước Mỹ lên tới 48 vụ.
Còn số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy thu nhập từ các trang trại trong năm 2019 tính đến hết quý III chỉ đạt 88 tỷ USD, thấp hơn 29% cho với hồi năm 2013. Tuy nhiên, đáng báo động là gần 40% trong số khoản doanh thu này (tức khoảng 33 tỷ USD) có liên quan đến các chương trình hỗ trợ thương mại, hỗ trợ thảm họa, trợ cấp nông nghiệp của Chính phủ và các tổ chức Liên bang.
Bộ này cũng dự đoán nợ nông nghiệp của Mỹ sẽ đạt mức kỷ lục 420 tỷ USD trong năm nay, chỉ thấp hơn mức kỷ lục hồi khủng hoảng nông nghiệp năm 1980 là 431,6 tỷ USD.
Trái ngược với những cú nổ liên tiếp của thị trường chứng khoán và triển vọng lạc quan của thỏa thuận thương mại, bức tranh nông sản Mỹ vẫn ảm đạm như nhiều tháng qua.