Chứng khoán Mỹ mất đà khi nhiều bang siết chặt hạn chế kiểm dịch Covid-19

21/11/2020 07:51 GMT+7
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên giao dịch cuối tuần khi các trường hợp nhiễm mới Covid-19 tăng vọt.
Chứng khoán Mỹ mất đà khi nhiều bang siết chặt hạn chế kiểm dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ mất đà khi nhiều bang siết chặt hạn chế kiểm dịch Covid-19

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 219,75 điểm, tương đương 0,8%, đóng cửa ở mức 29.263,48 điểm. S&P 500 giảm 0,7% xuống 3.557,54 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,4% để kết thúc ngày ở mức 11.854,97 điểm.

Boeing và Salesforce là những cổ phiếu hoạt động kém nhất trong ngày của chỉ số Dow Jones, với mức giảm lần lượt 2,9% và 2,5%. Lĩnh vực công nghệ và công nghiệp lần lượt giảm 1,1% và 0,9%, đưa chỉ số S&P 500 xuống thấp hơn.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm khi số liệu thống kê từ Đại học Johns Hopkins cho thấy số ca nhiễm mới Covid-19 của Mỹ tăng vọt. Trong tuần gần nhất tính đến 20/10, Mỹ có bình quân 165.029 ca nhiễm mới mỗi ngày, tức cao hơn bình quân 24% so với một tuần trước đó. Chỉ riêng hôm 19/10 đã có 187.833 ca nhiễm mới được ghi nhận. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến nhiều bang buộc phải lùi lại kế hoạch mở cửa trở lại hoặc bổ sung thêm các biện pháp mới để hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Thống đốc California Gavin Newsom hôm thứ Năm đã ban hành lệnh yêu cầu người dân không tụ tập sau 10 giờ tối và trước 5 giờ sáng. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến nghị người Mỹ không nên đi du lịch vào Lễ Tạ ơn.

Các nhà kinh tế JPMorgan cảnh báo những hạn chế mới để kiểm soát dịch bệnh có khả năng khiến Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm trong quý I/2021.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng bị ảnh hưởng do sự bất đồng giữa Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang về việc tiếp tục các chương trình hỗ trợ khẩn cấp trong thời kỳ suy thoái. Trong khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tìm cách chấm dứt một số chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, động thái này vấp phải sự phản đối từ Ngân hàng Trung Ương. Các quan chức FED cho rằng những biện pháp hỗ trợ cần được tiếp tục để xoa dịu nền kinh tế bị tổn thương trầm trọng trong đại dịch.

NTTD
Cùng chuyên mục