Chứng khoán Mỹ thận trọng với loạt dữ liệu kinh tế đáng quan ngại

24/09/2019 09:30 GMT+7
Chứng khoán Mỹ đã có phiên giao dịch đầy thận trọng hôm 23/9 sau khi các nhà đầu tư phân vân giữa dữ liệu hoạt động sản xuất đầy lạc quan của khu vực đồng EUR và những kỳ vọng thỏa thuận thương mại ảm đạm sau khi phái đoàn Trung Quốc hủy chuyến thăm nông trại Mỹ.
Chứng khoán Mỹ thận trọng với loạt dữ liệu kinh tế đáng quan ngại - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ giao dịch thận trọng hôm 23/9 do hàng loạt dữ liệu kinh tế không như kỳ vọng

Chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 0,01%, đóng cửa ở mức 2.991,77 điểm trong khi chỉ số công nghiệp bình quân Dow Jones tăng 0,06%, tức 14,92 điểm lên 26.949,99 điểm. Chỉ số tổng hợp NASDAQ giảm 5,21 điểm, tương đương 0,06% xuống còn 8.112,46 điểm. Nhìn chung, chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến một phiên giao dịch ít biến động.

Cả 3 chỉ số chính vẫn đang tiến gần mức cao nhất mọi thời đại, khi S&P 500 chỉ còn kém đỉnh 1,1% hôm 26/7 còn Dow Jones kém 1,5% so với kỷ lục. NASDAQ thì giữ khoảng cách 2,7%, xa hơn hai chỉ số còn lại.

Sự thận trọng của thị trường bắt nguồn từ mối quan ngại giữa hai diễn biến không mấy sáng sủa: hoạt động sản xuất suy yếu ở Châu Âu cảnh báo viễn cảnh suy thoái và thương chiến Mỹ Trung có dấu hiệu leo thang. Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua PMI khu vực đồng EUR tháng 9 chỉ đạt 45,6, mức thấp nhất trong 83 tháng vừa qua, thấp hơn mức 47 hồi tháng 8.

Chỉ số PMI của Đức thậm chí chỉ còn 41,4 trong tháng 9, mức tồi tệ nhất trong một thập kỷ trở lại đây. Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu đã phải gánh chịu những hậu quả cay đắng từ bất ổn thương mại toàn cầu. Tăng trưởng GDP quý II của Đức đã ghi nhận mức âm, và các nhà phân tích kinh tế cảnh báo quý III cũng có thể chứng kiến tình hình tương tự. Quan ngại một cuộc suy thoái tại Châu Âu khiến phố Wall lo lắng.

Diễn biến tại Mỹ thậm chí còn tệ hơn. Hồi cuối tuần trước, phái đoàn Thứ trưởng Trung Quốc đã đột ngột hủy bỏ chuyến thăm nông trại Mỹ tại Montana và Nebraska, thổi bùng lo ngại đàm phán thương mại rơi vào bế tắc. Tổng thống Trump sau đó khiến tình hình căng thẳng hơn khi tuyên bố Mỹ muốn một thỏa thuận thương mại toàn diện và đầy đủ chứ không phải thỏa thuận ngắn hạn, từng phần. Một số cố vấn Nhà Trắng thậm chí tiết lộ Trump đã chuẩn bị sẵn cho một kịch bản trừng phạt thuế quan nếu không sớm đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh. Mức thuế có thể tăng lên tới 50-100%. 

Vào tháng 10 tới, vòng đàm phán Mỹ Trung sẽ chính thức diễn ra với sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao như Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng tài chính Steve Mnuchin...

Tuy nhiên, vẫn còn một số dấu hiệu để thị trường lấy lại lạc quan. Chỉ số quản lý thu mua PMI của Mỹ tháng 9 đã đạt mức cao nhất trong năm là 51, khi PMI lĩnh vực dịch vụ đạt tới 50,9. Nền kinh tế Mỹ vẫn đang vận hành ổn định, chưa có dấu hiệu giảm tốc.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục