Chứng khoán ngày 22/11: Nhà đầu tư hoang mang, VnIndex rơi thẳng đứng vì cổ phiếu trụ
Nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam chưa kịp hưởng niềm vui khi VnIndex mở màn phiên giao dịch ngày 22/11 bật tăng hơn 5 điểm với công lớn đến từ nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn thì đã rơi vào trạng thái tâm lý do lâu. Bởi lực cung sau đó bất ngờ được đẩy mạnh đã khiến chỉ số VnIndex đảo chiều, lao xuống dưới mốc 980 điểm trước khi trở lại ngưỡng 983 điểm vào cuối phiên sáng.
Bước sang phiên chiều 22/11, các nhà đầu lần lượt trải qua trạng thái tâm lý từ thất vọng, tới vui mừng, rồi lại hoảng loạn khi chỉ số VnIndex liên tục đảo chiều. VnIndex đã có một nhịp hồi trong khoảng 30 phút đầu phiên, song đã nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại lực cung lại gia tăng.
Tới 14h15, VnIndex đã giảm 9,77 điểm xuống 978,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 160 triệu cổ phiếu, trị giá 3.400 tỷ đồng. Trong đó, 2 "cổ phiếu họ Vin" là VHM và VRE giảm rất sâu và ảnh hưởng lớn đến diễn biến thị trường chung. Cụ thể, VHM giảm 3,7% xuống 91.800 đồng, VRE giảm 3,1% xuống 33.900 đồng. Bên cạnh đó, các cổ phiếu trụ cột như VCB, TPB, SAB, PLX, CTD, BID... cũng giảm sâu.
Ở chiều ngược lại, chỉ có số ít mã vốn hoá lớn giữ được sắc xanh và mức tăng trên 1% là DPM và HPG.
Song khi thời gian phiên giao dịch dần đi tới những phút cuối, thị trường đã xuất hiện lực đỡ tại hai cổ phiếu VHM và VRE. Song các cổ phiếu trụ cột khác trên thị trường bao gồm VCB, VCS, TCB, SAB, ACB, BID... đều giảm rất sâu vẫn khiến chỉ số VnIndex kết thúc phiên giao dịch ngày 22/11 với mức giảm 10,11 điểm (1,02%) xuống 977,79 điểm. Toàn sàn có 90 mã tăng, 243 mã giảm và 58 mã đứng giá.
Về giao dịch khối ngoại trên TTCK Việt Nam, ngày 22/11, khối ngoại đã mua ròng 1,6 triệu cổ phiếu, nhưng tính về giá trị giao dịch, khối ngoại vẫn bán ròng 21 tỷ đồng.
Diễn biến ngược chiều của khối ngoại cũng xuất hiện trên sàn HoSE, khi họ bán ròng 11,2 tỷ đồng về giá trị, nhưng mua ròng tới 1,9 triệu cổ phiếu nếu xét tới yếu tố khối lượng giao dịch.
Trong đó, CTG thay VRE đứng đầu danh sách cổ phiếu được khối ngoại mua ròng trên sàn HoSE với giá trị mua ròng đạt 22,7 tỷ đồng. VRE xếp ở vị trí thứ hai nhờ được khối ngoại mua ròng hơn 20,5 tỷ đồng. CCQ ETF nội E1VFVN30 xếp thứ ba với khối lượng mua ròng 18 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, VCB bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 46,2 tỷ đồng. VHM và VJC bị bán ròng lần lượt 20 tỷ đồng và 12,9 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, khối ngoại cũng có phiên bán ròng với giá trị đạt 7,7 tỷ đồng, tương ứng 322.164 cổ phiếu bị bán ròng. Còn trên UpCom, khối ngoại tiếp tục bán ròng 2,5 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng đạt 5.522 cổ phiếu.
Trong thời gian tới, một thông tin có thể tiếp tục tạo ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư cũng như khối ngoại trên TTCK Việt Nam chính là việc V.N.M và FTSE ETF sẽ tiến hành cơ cấu danh mục.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDirect, GEX nhiều khả năng sẽ bị loại ra khỏi FTSE ETF do không đáp ứng được các yêu cầu về thanh khoản. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân phiên của cổ phiếu GEX trong 3 tháng gần nhất chỉ đạt 0,4 triệu USD/phiên (khoảng 9 tỷ đồng), thấp hơn yêu cầu tối thiểu để được ở lại danh mục FTSE Vietnam Index là khoảng 0,6 triệu USD/phiên (khoảng 14 tỷ đồng). 0,6 triệu USD/phiên xấp xỉ 20% giá trị giao dịch bình quân phiên của các cổ phiếu trong danh mục FTSE ETF hiện tại)
Ngược lại, sẽ khó có cổ phiếu nào đáp ứng đủ điều kiện để được thêm vào FTSE ETF lần này. VNDirect ước tính VIC, HPG và NVL sẽ được FTSE ETF mua ròng mạnh trong khi GEX, MSN và VHM sẽ bị bán ra nhiều trong đợt cơ cấu lần này.
Với V.N.M ETF, VNDirect cho rằng sẽ không có thay đổi nào trong danh sách các cổ phiếu Việt Nam có mặt trong danh mục V.N.M ETF