Chương trình OCOP tạo động lực cho kinh tế nông thôn huyện Núi Thành (Quảng Nam) bứt phá

22/07/2024 08:36 GMT+7
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) đã chú trọng phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng, lợi thế của từng địa phương, góp phần mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn theo hướng bền vững.

Chương trình OCOP triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Núi Thành từ cuối năm 2018, đến nay toàn huyện có 26 sản phẩm (trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 22 sản phẩm đạt 3 sao).

Nổi bật với một số sản phẩm như: Trà linh chi Hoàng Hải, Chả cá mối Tam Tiến, Bánh tét VINACAKE, Chả gà đồi Tam Thạnh, Dầu phộng Chu Lai, Mực rim xé sợi Cô Kiệu, Tinh dầu trầm hương An Phúc, Rượu gạo Bàn Than, Rau xà lách Dream Garden.... Dự kiến thực hiện đến hết năm 2025, toàn huyện sẽ có 35 sản phẩm được gắn sao OCOP.

Chương trình OCOP tạo động lực cho kinh tế nông thôn huyện Núi Thành (Quảng Nam) bứt phá- Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP rau xà lách của huyện Núi Thành được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Văn Phin.

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: "Để có được kết quả này thì cùng với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện đã bổ sung nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, thành lập Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm.

Đặc biệt là thành lập Tổ giúp việc của huyện gồm thành viên là các cơ quan chuyên môn của huyện và cán bộ các xã để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ cho chủ thể sản phẩm tham gia chương trình. Thông qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chủ thể để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng thành công các sản phẩm OCOP chất lượng".

Chương trình OCOP tạo động lực cho kinh tế nông thôn huyện Núi Thành (Quảng Nam) bứt phá- Ảnh 2.

Sản phẩm dầu phộng Tam Giang đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh của huyện Núi Thành. Ảnh Văn Phin.

Huyện Núi Thành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các chính sách ưu việt đến gần hơn với người dân; thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ các đối tượng, chủ thể tham gia chương trình OCOP; mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp có điều kiện và năng lực đưa vào sản xuất các sản phẩm mới trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, khai thác tối đa điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, nhân lực, nguyên liệu... theo nhu cầu thị trường.

Ông An cho biết thêm, địa phương đã phối hợp với các cơ quan ban, ngành hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP phát triển thương mại, tham gia nhiều hơn các hoạt động trưng bày tại hội chợ để xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Từ đó bán được nhiều hàng hơn, tăng doanh số, doanh thu và lợi nhuận.

Chương trình OCOP tạo động lực cho kinh tế nông thôn huyện Núi Thành (Quảng Nam) bứt phá- Ảnh 3.

Toàn huyện Núi Thành có 26 sản phẩm (trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 22 sản phẩm đạt 3 sao). Ảnh: Văn Phin.

Đồng thời, huyện hỗ trợ các chủ thể về kinh phí để nâng cấp máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, nhằm giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Hơn nữa, động viên chủ thể các sản phẩm trẻ hóa người thực hiện quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất và kinh doanh có kỹ năng tốt để thực hiện hiệu quả các hoạt động thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay.

"Thời gian tới, huyện Núi Thành sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP ở cả chiều rộng và chiều sâu, khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Đặc biệt áp dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để khuyến khích các chủ thể phát triển sản phẩm mang tính đặc trưng, lợi thế của từng địa phương, góp phần mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn theo hướng bền vững...", ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành chia sẻ.

Trần Hậu - Tuyết Nhung
Cùng chuyên mục