"Chuyển động" mới đối với ngành nuôi biển tại Quảng Ninh

Hồng Nhung
13/05/2025 15:04 GMT +7
Nhằm thực hiện mục tiêu tăng kim ngạch, hướng tới xuất khẩu bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều động thái nhằm định hình sản xuất ngành nuôi biển.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu, ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có nhiều vũng vịnh kín gió, vùng nước ven bờ thuận lợi cho phát triển xây dựng vùng nuôi nhiều loại hải sản có giá trị như cá song, cá vược, hàu đại dương,…

Hiện tại, thực hiện theo Luật Thủy sản 2017, tỉnh Quảng Ninh đã có 305 cá nhân được giao biển với hơn 2.170 ha biển được cấp phép nuôi trồng. Hệ thống hợp tác xã cũng có bước phát triển vượt bậc, tăng lên 214 đơn vị, góp phần tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi liên kết.

Nhờ đó, vào năm 2024, dù bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng toàn tỉnh vẫn đạt 84.197 tấn. Đến năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu nâng tổng sản lượng lên 97.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi cá biển đạt trên 13.000 tấn.

Tăng cường thức ăn công nghiệp là một trong những trọng tâm của chiến lược xây dựng ngành nuôi biển bền vững.

Về công nghệ, tỉnh đang từng bước khuyến khích áp dụng thức ăn công nghiệp, cải thiện công tác quan trắc môi trường và tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất.

Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách và đề án lớn như Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản đến năm 2030, định hướng 2050; xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển quy mô công nghiệp hiện đại, theo chuỗi giá trị.

Nội dung trọng tâm trong việc phát triển ngành nuôi biển bền vững được hướng đến là chuyển đổi từ đồ ăn tươi sống truyền thống sang thức ăn công nghiệp. Theo nhận định của giới chuyên môn, loại thức ăn mới mang lại nhiều lợi ích rõ rệt trong năng suất và sản lượng, tăng tỷ lệ sống.

Đồng thời, đối với từng loại thủy, hải sản khác nhau, người nuôi có thể cân đối dinh dưỡng, phương án nuôi phù hợp. Theo đó, kết quả sản xuất năm 2023, khi nuôi cá biển đạt sản lượng hơn 11.600 tấn.

Ngoài ra, việc sử dụng thức ăn công nghiệp góp phần bảo vệ môi trường và kiểm soát dịch bệnh. Thức ăn công nghiệp giúp giảm dư thừa thức ăn trong môi trường nước, từ đó hạn chế ô nhiễm, góp phần ổn định chất lượng nước nuôi.

Đây là những tiêu chí quan trọng về kiểm soát chất lượng thủy, hải sản nuôi theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc - điều kiện bắt buộc của nhiều thị trường như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản biển đã được Chính phủ phê duyệt, ngành nuôi biển được xác định là trụ cột quan trọng tăng kim ngạch xuất khẩu.

Định hướng đến năm 2030, sản lượng nuôi biển cả nước đạt 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 – 2 tỷ USD. Mô hình phát triển nuôi biển hướng tới tích hợp đa giá trị hài hòa với các ngành kinh tế khác như, giao thông, du lịch, năng lượng tái tạo, xây dựng nông thôn mới,…

Cũng theo chiến lược của Chính phủ, hoạt động phát triển nuôi biển bền vững bên cạnh ý nghĩa tạo ra sản lượng lớn phát triển kinh tế còn góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế. Đây là một trong những giải pháp chiến lược nhằm hạn chế khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), qua đó, gỡ “thẻ vàng” thủy sản của EU đang áp dụng với Việt Nam.