Chuyên gia: Đà tăng sẽ giảm tốc, nhà đầu tư nên hiện thực hoá lợi nhuận

06/03/2024 13:00 GMT+7
Trong tháng 3, VDSC cho rằng đà tăng của chỉ số có thể sẽ giảm tốc và thị trường sẽ trải qua giai đoạn giằng co nhiều hơn. VDSC khuyến nghị NĐT hiện thực hóa lợi nhuận khi cổ phiếu nắm giữ đạt mức sinh lời hợp lý. Hạn chế sử dụng đòn bẩy quá mức để tránh những phiên sụt giảm bất ngờ.

Thị trường có thể sẽ gặp áp lực chốt lời

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 3/2024 với tựa "Giảm tốc để chờ động lực mới".

Theo VDSC, tính tới thời điểm hiện tại, thị trường gần như đã phán ánh tương đối đầy đủ kết quả kinh doanh quý IV/2023. Trong khi đó, các thông tin nổi bật về kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2024 sẽ bắt đầu được quan tâm từ cuối tháng. 

Chuyên gia: Đà tăng sẽ giảm tốc, nhà đầu tư nên hiện thực hoá lợi nhuận- Ảnh 1.

Do đó, trong phần lớn thời gian giao dịch của tháng 3, VDSC cho rằng thông tin về KQKD quý I/2024 sẽ chưa phải là yếu tố chủ đạo chi phối tâm lý giao dịch thị trường. Dù vậy, các dữ liệu vĩ mô đến cuối tháng 2 cho thấy xu hướng phục hồi của sản xuất và đầu tư của nền kinh tế Việt Nam trong hai tháng đầu năm. Do đó, đây có thể là yếu tố mang tính nền tảng và sẽ hỗ trợ cho kỳ vọng tăng trưởng KQKD của các doanh nghiệp niêm yết.

Chứng khoán Rồng Việt đã đưa ra những sự kiện trong tháng 3 cần lưu ý: 

Thông tin định hướng chính sách tiền tệ trong kỳ họp tháng 3 của các ngân hàng trung ương lớn sẽ được giới đầu tư tập trung chú ý. Kịch bản cơ sở của VDSC là các NHTW bao gồm Mỹ và phương Tây sẽ chỉ đảo chiều CSTT từ nửa sau của năm 2024, trong khi NHTW Nhật Bản có thể sẽ chấm dứt thời kỳ siêu nới lỏng sớm hơn.

Trong ngắn hạn, việc chỉ số P/E VNIndex đang tiến lên mức tiệm cận 15 lần có thể gây áp lực nhất định lên thị trường khi NĐT nước ngoài thường có xu hướng bán ròng ở vùng định giá cao hơn ngưỡng này. Dù vậy, VDSC kỳ vọng trạng thái giao dịch ròng của NĐT nước ngoài sẽ tích cực trở lại khi dòng vốn từ các tài sản niêm yết bằng đồng USD bắt đầu tái phân bổ lại sau chính sách tiền tệ của các nước phương Tây đảo chiều và triển vọng nâng hạng thị trường của Việt Nam rõ ràng hơn sau khi các điểm nghẽn được tháo gỡ.

Chuyên gia: Đà tăng sẽ giảm tốc, nhà đầu tư nên hiện thực hoá lợi nhuận- Ảnh 2.

Việc nâng hạng thị trường theo phân loại của tổ chức FTSE khả năng cao phải lùi đến tháng 9 thay vì đợt xem xét tháng 3 tới đây do các tiêu chí liên quan tới "Thanh toán và bù trừ" vẫn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, kết quả vận hành thử hệ thống KRX (điểm nghẽn kỹ thuật để tiến hành cơ chế thanh toán bù trừ) tích cực sẽ cũng cố niềm tin cho thị trường về một kịch bản vận hành chính thức trong tháng 5.

Chỉ số VN Index đã có chuỗi 4 tháng tăng điểm liên tiếp với mức sinh lời lũy kế là 21,7% kể từ tháng tăng điểm đầu tiên và có mức cao thứ 7 trên tổng số 9 chuỗi tăng điểm mạnh kể từ 2009. Thị trường có thể sẽ gặp áp lực chốt lời của một bộ phận nhà đầu tư, song các dữ liệu mô tích cực đang là trợ lực hỗ trợ cho kỳ vọng thu nhập của thị trường. 

Với các yếu kéo và đẩy đang khá cân bằng, VN Index có thể sẽ biến động trong biên độ hẹp 1.210-1.290 trong tháng 3.

Thị trường khó có khả năng tiến xa hơn nếu thiếu sự tham gia mạnh mẽ của NĐT nước ngoài

Dòng tiền rẻ và câu chuyện nâng hạng thị trường đã giúp thị trường chứng khoán thăng hoa trong tháng 2. Điểm tích cực là, đến những phiên giao dịch cuối tháng 2, dòng tiền đã có xu hướng lan tỏa sang các nhóm ngành và cổ phiếu có nền tảng tốt nhưng đang ở vùng định giá hấp dẫn thay vì chỉ co cụm ở nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.

Chuyên gia: Đà tăng sẽ giảm tốc, nhà đầu tư nên hiện thực hoá lợi nhuận- Ảnh 3.

Tháng 3, thị trường kỳ vọng sẽ đón nhận thêm các thông tin mang màu sắc khả quan nhiều hơn là bi quan. Đầu tiên, câu chuyện nâng hạng TTCK Việt Nam kỳ vọng tiến thêm một bước nhỏ, là thực hiện diễn tập chuyển đổi hệ thống chứng khoán KRX trong tháng 3. Kết hợp với dòng tiền rẻ còn hiện hữu, yếu tố này sẽ tạo động lượng tích cực cho TTCK. Bên cạnh đó, với các số liệu kinh tế vĩ mô tích cực trong hai tháng đầu năm, và với mức nền tăng trưởng rất thấp của quý 1/2023, VDSC kỳ vọng tăng trưởng GDP quý 1/2024 sẽ ở mức cao. Điều này cũng hàm ý rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao.

Cuối cùng, là cuộc họp quyết định chính lãi suất của nhiều NHTW lớn, bao gồm Nhật và Mỹ. Ngoại trừ tại NHTW Nhật Bản, VDSC không kỳ vọng các quốc gia khác sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ tại cuộc họp tháng 3. Điều này phù hợp với kịch bản của TTCK mà VDSC đã đặt ra vào đầu năm, là chính sách tiền tệ của FED chỉ đảo chiều trong nửa cuối năm – đi kèm với sự hạ nhiệt của lạm phát trong khi kinh tế vẫn duy trì lành mạnh. Yếu tố này sẽ thúc đẩy xu hướng khả quan của VNIndex trong năm 2024.

Với kỳ vọng dòng tiền sẽ có sự luân chuyển đều đặn thay vì rút khỏi thị trường ý tưởng đầu tư tháng 3, VDSC tập trung vào các cổ phiếu và ngành có triển vọng khả quan trong năm 2024 nhưng mức tăng giá của giai đoạn vừa qua là chưa tương xứng gồm: REE và MSN.

Dù vậy, trong ngắn hạn, chỉ số đã chứng kiến tháng tăng điểm thứ tư liên tiếp, và tháng 2 là tháng có mức tăng mạnh nhất trong bốn tháng, đưa định giá PE của VNIndex lên mức 14,6 lần. Quan sát trong quá khứ, VDSC nhận thấy ở vùng định giá này, thị trường khó có khả năng tiến xa hơn nếu thiếu sự tham gia mạnh mẽ của NĐT nước ngoài. 

Do vậy, VDSC nghiêng về kịch bản đà tăng của chỉ số sẽ giảm tốc và thị trường sẽ trải qua giai đoạn giằng co nhiều hơn. Với bức tranh này, VDSC khuyến nghị NĐT hiện thực hóa lợi nhuận khi cổ phiếu nắm giữ đạt mức sinh lời hợp lý cho khung thời gian đầu tư ngắn – trung hạn. Trạng thái danh mục nên tránh việc sử dụng đòn bẩy quá mức để tránh những phiên sụt giảm bất ngờ.

Với kỳ vọng dòng tiền sẽ có sự luân chuyển đều đặn thay vì rút khỏi thị trường, ý tưởng đầu tư tháng 3 của VDSC tập trung vào các cổ phiếu và ngành có triển vọng khả quan trong năm 2024 nhưng mức tăng giá của giai đoạn vừa qua là chưa tương xứng.


O.L
Cùng chuyên mục