Chuyên gia kinh tế "mách nước" cho nông sản Việt

11/10/2019 13:16 GMT+7
Mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD toàn ngành nông, lâm, thủy sản năm 2019 đang gặp không ít thách thức, khó khăn…

"Bán tấn thì rõ nhiều mà két thì rõ bé"

Theo số liệu của Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 9/2019 của cả nước ước đạt 3,5 tỉ USD.

Theo đó, tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2019 đạt 30,02 tỉ USD, tăng 2,7% cùng kì năm 2018. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước giảm 7,2% xuống gần 14 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thuỷ sản, vốn là ngành thế mạnh trước đây nhưng tình hình xuất khẩu trong 9 tháng qua ước giảm 2% xuống 6,23 tỉ USD.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, 5 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc và Hồng Kông, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và ASEAN chiếm thị phần lần lượt là 21,5% 21,2%, 11,9%, 8,5% và 9,6%.

Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, 9 tháng đầu năm 2019, thị trường nhiều mặt hàng nông sản diễn biến theo xu hướng giảm. Cụ thể, giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm do nhu cầu yếu. Thị trường chè từ đầu năm đến nay không nhiều biến động do nguồn cung ổn định. Giá tiêu giảm do nguồn cung tăng trên toàn cầu.

Tại Hội nghị Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: "Nông sản Việt Nam sản xuất hiện nay phải nhận định là lượng quá nhiều, tiền quá ít. Đó là kiểu bán tấn thì rõ nhiều mà két thì rõ bé".

Người đứng đầu Bộ NN&NT đánh giá, nguồn cung nông sản Việt Nam tương đối dồi dào. Tuy nhiên, hiện nông sản Việt đang yếu ở 2 khâu là chế biến và tổ chức thị trường trong và ngoài nước. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích, khó khăn trong xuất khẩu nông sản xuất phát từ tăng trưởng toàn cầu chậm lại, khiến giảm cầu. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng tạo ra những biến động ở 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nông sản.

Chuyên gia kinh tế "mách nước" cho nông sản Việt - Ảnh 1.

Hiện các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu ở dạng thô, khó cạnh tranh. Ảnh Internet

Trao đổi với PV Etime, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, nhóm nông sản chính trong ngành trồng trọt Việt Nam hiện đang tăng mạnh về sản lượng nhưng chất lượng chưa được cải thiện đáng kể. Xuất khẩu sang các thị trường ngày càng khó cạnh tranh, dẫn đến giá xuất khẩu luôn luôn thấp.

Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, hàng nông sản nước ta vẫn xuất khẩu chủ yếu dưới dạng sơ chế đơn giản hoặc thô, các sản phẩm chế biến rất hạn chế nên không có tính thương hiệu, khó cạnh tranh. Điều này thể hiện rõ nhất ở ngành hàng như hồ tiêu, cà phê.

Cùng với ý kiến này, chuyên gia kinh kế Vũ Vinh Phú cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang để lãng phí nguồn lực mà hiện nay đang sở hữu. Hiện với các sản phẩm như cà phê, chè, hạt tiêu… hiện chúng ta đang xuất khẩu thô. Việc bán đồ thô, khi sang các nước khác lại trở thành hàng hóa mang thương hiệu của các nước khác. Nếu chúng ta biết cách chế biến sâu ra, thành hàng hóa có chất lượng cao thì giá trị có thể tăng từ 5 đến 10 lần hoặc nhiều hơn thế.

Hiện có khoảng 70% doanh nghiệp Việt Nam chỉ đầu tư công nghệ ở mức trung bình, còn lại là lạc hậu, kém xa so với các nước tiên tiến trên thế giới. Sản phẩm vì thế mà ít có tính cạnh tranh, không gây được tiếng tăm.

Ông Phú cũng chỉ ra hàng loạt điểm nghẽn khác của nông sản Việt Nam, đó là vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vì chưa được quản lý chặt chẽ nên bị ép cấp, ép giá khi mua vào để sử dụng hoặc mua phải hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, làm thiệt hại nặng nề cho người sản xuất. Hàng hóa khi sản xuất ra đến kì thu hoạch vì không có điều kiện bảo quản đúng tiêu chuẩn, ít kho dự trữ chiến lược, dẫn tới tổn thất hao hụt lớn từ 20-30%.

Bước đi nào cho nông sản Việt?

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các nước đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu.

Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Chuyên gia kinh tế "mách nước" cho nông sản Việt - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, để gia tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững, thời gian tới, ngành công nghiệp chế biến nông nghiệp phải hướng tới tạo ra sản phẩm mang tính chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng, giúp giá các mặt hàng cao hơn.

Sản xuất sản phẩm hàng hóa nông sản cần đi đôi với việc phát triển các nhà máy chế biến nông sản, các kho dự trữ, hệ thống giao thông vận chuyển, đảm bảo sự hoạt động nhịp nhàng có hiệu quả của các tổ hợp sản xuất công nông nghiệp hoàn chỉnh. Vừa nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa giải quyết đầu và và đầu ra, giảm bớt những tổn thất không mong muốn.

Ông Phú cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt được cơ hội vàng từ những hiệp định đã được ký kết. Trong công tác xuất khẩu hàng hóa, rất cần có sự đồng hành từ Chính phủ, người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất một cách đồng bộ.

Ong Lý
Cùng chuyên mục