Chuyên gia VCBS: Lãi suất huy động dự báo tăng thêm ít nhất 1 - 1,5% năm 2023
Theo thống kê từ Bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất trên thế giới đã tăng khoảng 3%-4% trong năm 2022.
Lãi suất huy động dự báo tăng thêm ít nhất 1-1,5% trong năm 2023
Trong nước, mặt bằng lãi suất huy động tính từ đầu năm 2022 tới nay đã tăng khoảng 230-270 điểm cơ bản.
Dư nợ tín dụng năm 2022 ước tăng khoảng 14,5% so với đầu năm. Trong khi đó, huy động tiền gửi qua tổ chức và dân cư đạt mức tăng trường 5,99% tính đến 21/12.
Các chuyên gia tại đây cho rằng, xu hướng tăng của lãi suất huy động cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng.
Khối phân tích nhận định quá trình tăng lãi suất NHTW lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6 năm 2023. Ngoài ra, sau sự việc liên quan đến ngân hàng SCB, NHNN đã khẳng định ưu tiên cao nhất của là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Tuy vậy, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.
"Lãi suất huy động dự báo tăng thêm ít nhất 1-1,5% trong năm 2023", các chuyên gia dự báo.
Về lãi suất cho vay, theo các nhà phân tích VCBS, dư địa tăng với lãi suất cho vay tiếp diễn, tuy nhiên có độ trễ và mức tăng có thể thấp hơn lãi suất huy động khi được kiểm soát chặt chẽ từ nhà điều hành. Do đó, năm 2023 lãi suất cho vay được dự báo còn dư dịa tăng.
"Tuy nhiên, trong trường hợp lãi suất huy động tạo đỉnh trong nửa đầu 2023, lãi suất cho vay có thể ghi nhận mức tăng thấp hơn lãi suất huy động, tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề, phân loại ưu tiên", VCBS nhận định.
Ngoài ra, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn hơn khi tỷ lệ hoàn vốn nội bộ đủ lớn để thực hiện dự án tăng lên. Đồng thời, rủi ro nợ xấu tăng lên cùng hạn mức tín dụng không quá dư thừa khiến các NHTM sẽ lựa chọn kỹ càng hơn với danh mục phê duyệt tín dụng.
Vì thế, VCBS dự báo áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất vẫn còn. "Nhìn chung, lãi suất - chi phí đầu vào của nền kinh tế tăng là thông tin không tích cực với nền kinh tế. Cũng cần lưu ý thêm, xu hướng này cũng đã đang và sẽ được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác trên thế giới", báo cáo cho biết.
Điểm tích cực là việc NHNN đã đưa ra thông điệp điều hành về việc tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Theo đó, trong điều kiện thuận lợi, lãi suất điều hành có thể không tăng thêm trong năm 2023 và mặt bằng lãi suất kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt nửa cuối năm 2023.
Vẫn có "cửa hẹp" để giảm lãi suất?
Cũng liên quan đến lãi suất, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam cho rằng, trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung thế giới, Việt Nam vẫn có "cửa hẹp" trong năm nay để có thể đổi chiều chính sách và giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam khi các điều kiện bên ngoài cho phép.
Điều kiện cho phép ở đây – theo ông Thành, đó là Fed có thể giảm tần suất tăng lãi suất xuống chỉ còn 3 lần trong năm 2023, mức tăng lãi suất của Fed tháng 2/2023 chỉ khoảng 0,25 điểm, thay vì 0,5 điểm kỳ điều chỉnh trước đó.
"Thời điểm đầu tháng 5 khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó sẽ duy trì ở mức đỉnh lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng từ 5-5,25% cho đến cuối năm 2023. Như vậy, đến thời điểm tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam không phải đua lãi suất theo lãi suất của đồng USD, và áp lực tỷ giá qua đi. Đấy cũng là dư địa để chúng ta đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô", ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.