Cổ phiếu ngành thủy sản đua nhau tăng trần sau khi báo lãi năm 2021 cao kỷ lục
Tạm chốt phiên sáng 8/2, chỉ số VN-Index tăng 2,63 điểm (0,18%) lên 1.500,29 điểm. Đáng chú ý, thị trường chứng kiến sự bùng nổ của cổ phiếu ngành thủy sản.
"Nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn ghi nhận tăng trần 7%; Cổ phiếu ANV của Công ty CP Nam Việt cũng tím ngắt khi tăng 6,8%, tiếp đó là IDI của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI với phiên tăng trần 6,72%; CMX của Camimex Group tăng 6,71%...
Các mã ngành thủy sản khác cũng không nằm ngoài xu hướng, hầu hết đều phủ sắc xanh như cổ phiếu MPC của "vua tôm" Minh Phú tăng 2,99%; cổ phiếu ACL của Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang tăng 387%; ASM của Tập đoàn Sao Mai tăng 4,47%; Thực phẩm Sao Ta (FMC) tăng 4,13%...
Tăng trưởng bằng lần
Cổ phiếu ngành thủy sản đang hút dòng tiền sau khi các doanh nghiệp ngành thủy sản báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021.
Đơn cử như Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) với doanh thu cả năm đạt 5.199,1 tỷ đồng tăng 17,8%, lợi nhuận sau thuế đạt 286,93 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
FMC cho biết năm 2021 là năm nuôi tôm thành công nhất trong lịch sử 10 năm theo đuổi nuôi tôm của Sao Ta, góp phần bù đắp cho mảng chế biến của công ty trong năm vừa qua.
Năm 2021, FMC đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.650 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng. Theo đó kết thúc năm 2021 FMC đã hoàn thành vượt 12% mục tiêu về doanh thu và vượt 15,6% mục tiêu về lợi nhuận.
Với kết quả khả quan, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta dự kiến ngay sau Tết, trại tôm sẽ bắt đầu thả giống, khởi đầu cho mùa vụ mới; trong đó có tăng thêm diện tích nuôi 52ha là dự án được ủy ban nhân dân tỉnh giao công ty thành viên là Công ty cổ phần Thực phẩm Khang An.
Năm 2022, doanh nghiệp sẽ đưa Nhà máy thủy sản Sao Ta với công suất 15.000 tấn/năm và Nhà máy chế biến tôm Tam An, công suất 5.000 tấn/năm vào hoạt động. Từ đó, nâng tổng công suất thêm 20.000 tấn/năm. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ gia tăng được sản lượng đáng kể để đón đầu xu thế tăng trưởng khi bắt đầu một chu kỳ kinh tế mới.
Đối với Công ty P Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC)- doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cá tra Việt Nam được nhận định là có thuận lợi xuất khẩu sang Mỹ, do hưởng thuế suất xuất khẩu sang nước này thấp hơn các doanh nghiệp cùng ngành.
Trong quý IV/2021, Vĩnh Hoàn báo lãi 461,2 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế cả năm, doanh thu 9.054 tỷ đồng tăng 29%, lợi nhuận sau thuế 53% đạt 1.101 tỷ đồng.
Năm 2021, VHC đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận lần lượt đạt 8.600 tỷ đồng và 700 tỷ đồng. Như vậy, VHC đã vượt 5% chỉ tiêu doanh thu và 59% chỉ tiêu lãi sau thuế 2021.
Công ty Navico (HoSE: ANV) đặt mục tiêu doanh thu 4.500 tỷ đồng doanh thu và 450 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận này tăng đến 88% so với kết quả năm 2020, nhưng thấp hơn 46% so với lợi nhuận kỷ lục của năm 2019.
Khác với Vĩnh Hoàn, Navico đang có lợi thế là đã đầu tư chuỗi mô hình khép kín từ lai tạo giống - sản xuất thức ăn – nuôi cá tra & chế biến – đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm. Chứng khoán Mirae Asset đánh giá công ty đã tự chủ nguồn nguyên liệu để đảm bảo chất lượng và sự ổn định trong kinh doanh.
Vùng nuôi công nghệ cao Bình Phú diện tích gần 600ha với quy mô 224 ao cá thịt, 64 ao cá giống đã hoàn thành. Dự án này giúp công ty tự chủ được 100% nguồn con giống và tiết giảm chi phí, cũng như tạo động lực tăng trưởng trong tương lai.
Navico cũng có lợi thế từ hiệp định EVFTA, lãi suất thấp nếu tiến vào thị trường Mỹ, thị trường Trung Quốc hồi phục nhanh là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu. Nhà xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của Việt Nam với thị phần 4,6% cũng đang đầy mạnh đầu tư cho hệ thống điện mặt trời, điều đó giúp tối ưu thêm chi phí đầu vào và gia tăng sức cạnh tranh.
Cổ phiếu ngành thủy sản sẽ "vượt sóng" trong năm 2022?
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, năm 2021, mức tăng chung của cổ phiếu ngành thủy sản đạt 54,3%, cao hơn mức tăng của chỉ số VN-Index tới hơn 20,5%. Các doanh nghiệp có hiệu quả tốt nhất gồm IDI tăng 98%, FMC tăng 58, VHC tăng 56%, MPC tăng 53%, ANV tăng 41% và CMX tăng 22%.
Theo phân tích từ SSI, việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 chưa có sự chắc chắn khi có sự xuất hiện của các biến thể mới, vì vậy kế hoạch xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm 2022 được đánh giá là khiêm tốn, ở mức 9 tỷ USD (không tăng trưởng).
Báo cáo của SSI chỉ ra triển vọng của ngành thủy sản trong năm 2022 được kỳ vọng vào nhu cầu toàn cầu có thể sẽ tăng mạnh từ việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế, song bên cạnh đó là áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và chi phí vận chuyển cao.
Mặt khác, VASEP cho biết diện tích nuôi cá tra trong cả nước đang giảm 30-50% so với cùng kỳ, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tạm thời trong quý I/2022 đồng thời việc tăng thêm chi phí cho cá nguyên liệu có thể làm giảm biên lợi nhuận của các công ty sản xuất trong quý này, do rất khó để kết chuyển hoàn toàn chi phí sang giá bán bình quân. Vì, chu kỳ nuôi cá tra là 6 tháng và giá cá nguyên liệu đã tăng nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ giảm dần trong quý II/2022.
Trên cơ sở đó, SSI tính toán mã VHC kỳ vọng đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 30% so với cùng kỳ (dựa trên giả định giá bán bình quân cá tra philê tăng 10% trong năm 2022) và và mã FMC ước tính đạt 49% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sản lượng tăng 25% từ việc mở rộng công suất gần đây, trong khi giá bán bình quân được dự báo sẽ duy trì ổn định trong năm 2022.
"Do ngành thủy sản đã được định giá lại để phản ánh sự thay đổi trong năm 2021 và động lực tích cực trong năm 2022, chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều thách thức để ngành được định giá lại tiếp do những biến động và tính chất chu kỳ vốn có của ngành," báo cáo của SSI viết.