Có thể "cấm" khai thác vật liệu đặc thù để ưu tiên các dự án, công trình cấp bách quốc gia
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Quyết định 711/QĐ-TTg ngày 24/7/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành ngày hôm nay 24/7.
Theo Quyết định nói trên, việc Nhà nước xem xét hạn chế, cấm hoặc tạm cấm khai thác khoáng sản dựa trên nguyên tắc đảm bảo việc thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Quyết định 711/QĐ-TTg được đưa ra trong bối cảnh một số dự án, công trình quan trọng của quốc gia như đường cao tốc tại phía Nam đang thiếu vật liệu san lấp, trải thảm mặt đường. Tình trạng thiếu, khan hiếm thậm chí tranh giành vật liệu xây dựng của nhau khiến cho một số dự án bị ảnh hưởng về tiến độ, khiến một số dự án, công trình quan trọng quốc gia ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại Quyết định nói trên, Chính phủ xây dựng kế hoạch dự kiến tổng nhu cầu sử dụng đất cần thiết phục vụ công tác thăm dò và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên cả nước đến năm 2050 khoảng 73.629 ha, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 nhu cầu sử dụng đất là 52.505 ha; giai đoạn 2031 - 2050 nhu cầu sử dụng đất là 21.124 ha.
Tại Quyết định nói trên, Phó Thủ tướng nêu rõ tập trung các nguồn lực và giải pháp cần phải thực hiện đồng bộ để đảm bảo thực hiện tốt Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Về đầu tư, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phát huy nội lực, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực đóng vai trò chủ lực tham gia thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng chiến lược, có trữ lượng lớn.
Về nguồn vốn, vốn đầu tư cho các dự án thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng ngoài một phần vốn của ngân sách nhà nước, chủ yếu do doanh nghiệp tự bảo đảm bằng nguồn vốn tự có, vốn vay thương mại trên thị trường tài chính, vốn huy động từ các nguồn khác.
Về ứng dụng công nghệ vào khai thác khoáng sản, Chính phủ yêu cầu bên cạnh đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng thiết bị tiên tiến, hiện đại trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản. Các cấp, ngành và địa phương phải đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường.
Chính phủ yêu cầu ứng dụng, phát triển nền tảng số nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu số, xây dựng bản đồ số hóa phục vụ công tác nghiên cứu, hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
"Trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng phải hướng hướng đến các tiêu chí kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, hướng tới phát thải ròng về '0' vào năm 2050", Quyết định của Chính phủ nêu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh giao Bộ TN&MT thực hiện các kế hoạch trong đó sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản nằm trong Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng làm cơ sở cho việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản nhằm đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.
Thứ hai, Bộ TN&MT phải chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có khoáng sản chỉ đạo việc khoanh định chính xác tọa độ khép góc các khu vực khoáng sản sẽ cấp phép nhằm giảm thiểu diện tích chiếm đất do ảnh hưởng của các dự án khai thác mỏ.