Composite Capital Master Fund giảm sở hữu tại VPBank về dưới 1% vốn
Trước đó, tại bản công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của VPBank cập nhật đến ngày 20/8/2024, cổ đông ngoại này từng sở hữu 1,7% vốn, tương ứng hơn 135,1 triệu cổ phiếu VPB. Tỷ lệ sở hữu này giảm so với công bố hồi tháng 7/2024 là 2,73% vốn, tức hơn 217 triệu đơn vị.
Động thái "rút" dần của Composite Capital Master Fund LP diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu VPB giữ đà tăng tốt từ giữa tháng 9/2024 tới nay.
Cụ thể, so với mức đóng cửa phiên ngày 11/9 là 18.230 đồng/cp, sau khoảng một tháng, mã này tăng 14,4% lên 20.850 đồng/cp. Đồng thời, thanh khoản trong 1 tháng trở lại đây cũng sôi động hơn, trung bình gần 35 triệu đơn vị mỗi phiên.
Trong khi đó, đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, đóng cửa phiên 16/10, sắc đỏ bao trùm trên bảng điện. Một số ít các mã như VCB, CTG, TPB, EIB... là giữ được sắc xanh đến cuối phiên, tuy nhiên đà tăng không đáng kể.
Riêng chỉ có EIB nhỉnh hơn khi tăng 1,37%. Mã này nhận được sự chú ý sau khi nhà băng này lên tiếng về thông tin về việc lan truyền tài liệu không xác thực trên mạng xã hội liên quan đến hoạt động của Ngân hàng.
Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền tài liệu về "Đơn kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank" (chỉ có 1 trang đầu và không có chữ ký, không có con dấu).
Eximbank khẳng định, tài liệu lan truyền trên mạng xã hội nêu trên không phải là văn bản của Ban Kiểm soát Eximbank và không xuất phát từ ngân hàng.
"Đây là tài liệu chưa được xác thực, không rõ nguồn gốc. Hiện nay, Eximbank đang đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh, làm rõ động cơ của hành vi phát tán tài liệu này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, khách hàng, cổ đông và đối tác", Eximbank thông tin.
Theo Eximbank, chỉ số tài chính quan trọng hiện đang ở mức an toàn cao và ổn định, đáp ứng tốt các yêu cầu về vốn, thanh khoản và hoàn toàn có khả năng chịu đựng trước các rủi ro thị trường. Ngân hàng luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đảm bảo sự minh bạch trong mọi hoạt động.
Ở chiều ngược lại, các mã ảnh hưởng tiêu cực trong nhóm ngân hàng như: HDB, LPB, STB, MBB, TCB, ACB, SSB, VIB, STB, SHB,...
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/10, VN-Index giảm 1,6 điểm về 1.279,48 điểm. Tại sàn Hà Nội, chỉ số giảm nhẹ 0,69% về 228,26 điểm. Toàn thị trường ghi nhận 18 mã đóng trần, 287 mã tăng giá, 908 mã đứng giá và 381 mã giảm giá chiếu.
Tính tổng ba sàn, khối ngoại bán ròng gần 380 tỷ đồng. Trong khi đó, tính riêng sàn HoSE, khối này bán ròng 381,5 tỷ đồng.