Công chức nghỉ việc có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Công chức nghỉ việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Theo quy định tại Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, chế độ bảo hiểm thất nghiệp gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Do đó, để một người được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người đó phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo Điều 43 Luật Việc làm năm 2013, những đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm người lao động làm việc theo:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Dù vậy, nếu những trường hợp nêu trên đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không thuộc trường hợp tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, công chức là công dân Việt Nam, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm tại:
- Các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;
- Cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội mà không phải sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;
- Cơ quan, đơn vị thuộc Công an mà không phải sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, nhân nhân công an.
Như vậy, công chức là người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng vị trí việc làm trong các cơ quan Nhà nước chứ không phải ký hợp đồng làm việc (như viên chức) hoặc hợp đồng lao động (như người lao động).
Căn cứ các quy định trên, công chức không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, công chức cũng không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Công chức nghỉ việc được hưởng trợ cấp nào?
Mặc dù không thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng công chức khi thôi việc sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc và chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định của pháp luật (căn cứ Điều 8 Nghị định 46 năm 2010 của Chính phủ).
Trợ cấp thôi việc
Theo Điều 59 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, công chức được hưởng chế độ thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Do sắp xếp tổ chức;
- Theo nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý;
- Có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ (căn cứ khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung 2019).
Mức hưởng trợ cấp thôi việc của công chức được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định 46/2010/NĐ-CP như sau:
Mỗi năm làm việc được tính bằng ½ tháng lương hiện hưởng gồm mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thôi việc thấp nhất bằng 01 tháng lương hiện hưởng,
Đáng chú ý: Công chức đã được đào tạo, bồi dưỡng nhưng tự ý bỏ việc khi chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị đồng ý thì không được hưởng trợ cấp thôi việc mà còn phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật (theo khoản 4 Điều 49 Luật Cán bộ, công chức 2008).
BHXH một lần
Theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014, công chức nếu có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc là nữ công chức cấp xã tham gia BHXH chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS…
Khi đó, mức hưởng BHXH 01 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước 2014;
- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Trong đó, nếu chưa đủ 01 năm đóng BHXH thì hưởng bằng số tiền đã đóng; tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.