Cước vận tải biển giảm mạnh, doanh nghiệp lo thua lỗ

26/11/2022 10:30 GMT+7
Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, ngoài việc chi phí nhiên liệu lấn át trong chi phí hoạt động của tàu, doanh nghiệp còn gặp khó về tình hình khan hiếm nhiên liệu.

Trong những tháng cuối năm, giá cước vận tải biển bắt đầu giảm khiến cho các doanh nghiệp vận tải biển khó có cơ hội bứt phá tăng trường. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh, diễn biến xấu của thị trường dự báo sẽ có thể tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm và sang tới đầu năm sau.

"Hiện nay, không có nhiều cơ hội để vận tải biển Việt Nam "lật ngược thế cờ" ở cuối quý IV, nhất là khi đây là loại hình dịch vụ phụ thuộc", ông Minh cho hay.

Ông Minh cho rằng: "Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, cân nhắc các phương án kinh doanh và cố gắng áp dụng những biện pháp hiệu quả nhất để vượt qua giai đoạn khó khăn".

Cước vận tải biển giảm mạnh, doanh nghiệp lo thua lỗ - Ảnh 1.

Cảng Cát Lái đang hoạt động ổn định. Anh: VSG

Một số doanh nghiệp vận tải biển đánh giá, thời điểm cuối quý III hàng năm là lúc thị trường sôi động nhất. Lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu lớn để chuẩn bị cho mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch. Song năm nay, mọi thứ đều ảm đạm.

Tính riêng thị trường Mỹ và châu Âu có nhu cầu giảm mạnh, kéo theo thị trường Việt Nam. Thay vì tính toán sao cho tàu chạy nhanh và có thể chạy được nhiều chuyến, các chủ tàu Việt Nam giờ đây phải tính lại làm thế nào để chạy tàu hiệu quả.

Tại thị trường nội địa, lượng hàng hóa ít khiến các tàu chỉ lấp đầy được khoảng 60% công suất khai thác. Tuy nhiên, số tuyến vẫn duy trì đều đặn khoảng 20 chuyến/tuần cho đầu Hải Phòng - TP.HCM.

Các doanh nghiệp vận tải biển buộc phải duy trì và chấp nhận thêm thời gian tàu nằm chờ hàng ở cảng bởi nếu không, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khi không thể khai thác mà vẫn phải bỏ chi phí bảo dưỡng.

Các doanh nghiệp đang cố duy trì hoạt động thông qua việc cắt giảm chi phí tối đa, cố gắng neo giá cước và siết chi phí nhiên liệu, chạy tàu ở chế độ tiết kiệm. Các hãng tàu cũng phải tính toán khai thác thêm những tuyến khác để bù đắp.

Đồng thời, với các tàu hoạt động kém hiệu quả có lẽ phải cân nhắc đến việc thanh lý. Trong khi đó, giá nhiên liệu đang chiếm khoảng 60 - 70% chi phí hoạt động của tàu, trong khi thông thường chỉ chiếm khoảng 35 - 40%, dẫn tới giảm lợi nhuận của doanh nghiệp trên mỗi chuyến tàu.

Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, ngoài việc chi phí nhiên liệu lấn át trong chi phí hoạt động của tàu, doanh nghiệp còn gặp khó về tình hình khan hiếm nhiên liệu. Thị trường gặp khủng hoảng nhiên liệu khiến một số doanh nghiệp nội địa có tàu dùng dầu DO cũng hoang mang theo.

"Nhiều đơn vị phải chờ mới có nhiêu liệu để chạy tàu. Có những con tàu đơn vị thuê một ngày chạy chỉ đủ tiền nhiên liệu, không có tiền lương nhân công, khấu hao hay lãi vay", đại diện Cục Hàng hải cho hay.

Ví dụ: Cách đây 3 tháng, tàu trọng tải khoảng 70.000 DWT có giá cho thuê định hạn khoảng 27.000 USD/ngày, nhưng giờ chỉ còn khoảng 6.000 USD/ngày, không đủ tiền dầu và chi phí khấu hao.



Thế Anh
Cùng chuyên mục