Cựu Thứ trưởng Kim Thoa dính vụ án 2.700 tỷ, người nhà vẫn nắm DN lớn

15/09/2020 11:10 GMT+7
Gia đình cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nắm tỷ lệ chi phối tại doanh nghiệp hàng đầu về thiết bị điện tại Việt Nam cho dù đã rút vốn và vướng vào vụ án thất thoát 2,7 nghìn tỷ đồng của Nhà nước.

Theo Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2020, em trai bà Thoa - ông Hồ Quỳnh Hưng, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám độc Điện Quang - hiện nắm giữ hơn 2,5 triệu cổ phiếu DQC của CTCP Bóng đèn Điện Quang (tương đương 7,33% cổ phần).

Hai con gái của bà Hồ Thị Kim Thoa vẫn nắm một số lượng cổ phiếu lớn và các vị trí quan trọng tại doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước này. Bà Nguyễn Thái Nga hiện là thành viên HĐQT kiêm phó TGĐ và nắm giữ hơn 4,1 triệu cổ phần DQC (khoảng 12%). Bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê sở hữu hơn 2,2 triệu cổ phần DQC (tương đương 6,5% cổ phần).

Mẹ ông Hưng và bà Thoa - bà Trần Thị Xuân Mỹ sở hữu hơn 1,22 triệu cổ phiếu DQC (tương đương 3,56%). Anh ruột ông Hưng, ông Hồ Đức Lam, nắm giữ gần 1,66 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 6% cổ phần của doanh nghiệp. Bà Thoa chỉ còn nắm giữ 6.415 cổ phiếu DQC, tương đương 0,02% sau khi bán 1,68 triệu cổ phiếu DQC hồi cuối 2018.

Như vậy, tổng cộng đại gia đình nhà bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ khoảng 35,4% cổ phần của CTCP Bóng đèn Điện Quang.

Trong năm 2018, DQC đã chi cả trăm tỷ đồng trả 45% cổ tức và nhóm cổ đông có liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhận về hàng triệu USD. Đầu 2020, DQC cũng đã trả 10% cổ tức bằng tiền mặt.

Mặc dù chia cổ tức đều đặn nhưng tình hình kinh doanh của Bóng đèn Điện Quang vài năm gần đây kém tươi sáng.

Cựu Thứ trưởng Kim Thoa dính vụ án 2.700 tỷ, người nhà vẫn nắm DN lớn
Cựu Thứ trưởng Kim Thoa dính vụ án 2.700 tỷ, người nhà vẫn nắm DN lớn

Bà Hô Thị Kim Thoa.

Doanh nghiệp đầu ngành vẫn ở vùng đáy 4 năm sau khi cựu lãnh đạo cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa rút lui hoàn toàn và không còn là cổ đông lớn.

Giao dịch cổ phiếu DQC trên sàn chứng khoán tiếp tục ảm đạm. Cổ phiếu này đang ở vùng đáy 3 năm, hiện có giá 16.100 đồng/cp, thấp hơn khá nhiều so với mức khoảng 37.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) cách đây gần 3 năm.

Trong quý I, Bóng đèn Điện Quang tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khá u ám. Doanh nghiệp này chỉ lãi 3 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và DQC phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính lớn.

Trong năm 2019, DQC cũng đã chứng kiến doanh thu giảm 30,5% xuống chỉ còn 825 tỷ đồng. Công ty đã chủ động ngưng sản xuất đèn huỳnh quang tube và giảm các sản phẩm truyền thống có sản lượng tiêu thụ lớn nhưng công nghệ lạc hậu và không thân thiện với môi trường để tập trung nguồn lực vào những sản phẩm mới.

Trước đây, Bóng đèn Điện Quang được xem là doanh nghiệp đầu ngành với thị phần lớn và lợi nhuận cao đến từ những khoản thu lớn từ hoạt động tài chính từ khách hàng Cuba. Tuy nhiên, khoản thu này đã hết và DQC hiện còn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đơn vị tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.

Theo thông tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cơ quan này vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) và các đồng phạm, trong đó có cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa trong vụ án gây thiệt hại hơn 2,7 nghìn tỷ đồng trong vụ bán đất Sabeco.

Theo cáo buộc, từ 2012- 2016, ông Vũ Huy Hoàng thực hiện hành vi chỉ đạo cấp dưới, cụ thể là chỉ đạo bà Hồ Thị Kim Thoa cùng ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) có các văn bản chỉ đạo các cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl, để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.

Sau khi góp vốn và Sabeco đứng ra thực hiện xong các thủ tục pháp lý cho dự án, các lãnh đạo Bộ Công thương không chỉ đạo Sabeco thưc hiện dự án đã được phê duyệt, mà chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh và gây thất thiệt hại, thất thoát hơn 2.713 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 14/9, chỉ số VN-Index quay quanh ngưỡng 895 điểm.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục biến động đi ngang với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong vùng được giới hạn bởi ngưỡng hỗ trợ 880-885 điểm và ngưỡng kháng cự 895-905 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Về tổng thể, BVSC vẫn duy trì đánh giá tích cực về xu hướng thị trường trong thời gian tới. Do đó, các nhịp điều chỉnh của thị trường được xem là cần thiết để giúp thị trường tích lũy thêm xung lực và cũng là cơ hội để tham gia vào các nhóm cổ phiếu tiềm năng với mức giá hợp lý. Dòng tiền dự kiến sẽ có sự luân phiên dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn hiện tại.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/9, VN-Index tăng 5,6 điểm lên 894,57 điểm; HNX-Index tăng 1,23 điểm lên 127,43 điểm. Upcom-Index tăng 0,33 điểm lên 59,41 điểm. Thanh khoản đạt 7,4 nghìn tỷ đồng.

V.Hà/Vietnamnet
Cùng chuyên mục