Đã giảm ùn tắc hàng hoá tại Cảng Cát Lái
Ông Sang cho biết: "Hiện tôi đang ở TP.HCM để trực tiếp xử lý các vướng mắc về hàng hoá bị ùn ứ tại Cảng Cát Lái. Tình trạng ùn ứ hàng hoá đã giảm khi được Bộ GTVT và các cơ quan liên quan vào cuộc triển khai các phương án tháo gỡ".
Cục Hàng hải Việt Nam đang triển khai 3 nhóm giải pháp tháo gỡ: Thứ nhất là, giao Chi cục Hàng hải Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với doanh nghiệp khai thác cảng rà soát, làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để giúp họ sớm nhận hàng, tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng.
Thứ hai là giao Tân Cảng Sài Gòn chủ động điều chỉnh việc chất xếp, chất container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, container hàng xuất, container rỗng phù hợp để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập. Từ đó, nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi; điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng...
Thứ ba là yêu cầu tạm thời ngừng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, cảng Tân Cảng Hiệp Phước về cảng Tân Cảng Cát Lái. Chủ hàng sẽ nhận hàng trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc cảng Tân cảng Hiệp Phước, các ICD (cảng cạn), các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Thành phố Hồ Chí Minh để trực tiếp chỉ đạo, điều hành các giải pháp, đảm bảo duy trì hoạt động của cảng Cát Lái và các bến cảng khác tại khu vực.
Cùng đó, cung cấp đường dây nóng tiếp nhận 24/24 các thông tin của các doanh nghiệp đang có hàng tồn bãi tại cảng Cát Lái nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Sau 3 ngày triển khai các nhóm giải pháp trên (từ ngày 2 - 4/8/2021), Sở chỉ huy tiền phương của Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với Tân Cảng Sài Gòn rà soát được gần 200 doanh nghiệp có lượng hàng nhập tồn tại bến cảng Cát Lái số lượng nhiều.
Theo ông Sang, nguyên nhân của việc hàng hóa, đặc biệt là hàng nhập tại Cảng Cát Lái tăng cao là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong khu vực phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động.
Cục Hàng hải Việt Nam đã có công văn đề nghị UBND các địa phương gồm TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Long An xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp đóng trên địa bàn có thể nhận hàng, giảm áp lực cho cảng Cát Lái.
Đối với nhóm giải pháp thứ hai là điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, theo báo cáo, hàng loạt công việc đã được Tân Cảng Sài Gòn cấp bách triển khai.
Cụ thể, thông báo đến khách hàng, hãng tàu hạn chế hoặc không tiếp nhận hàng từ các cơ sở cảng Cái Mép, Hiệp Phước về cảng Cát Lái. Cùng đó, làm việc và thuyết phục khách hàng điều chỉnh "cảng đích" (nơi nhận hàng trực tiếp) về cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), Cảng Tân Cảng Cái Mép-Thị Vải (TCTT) và cảng Tân Cảng Hiệp Phước đối với container của các tàu cập cảng TCIT/TCTT.
Tân Cảng Sài Gòn cũng lên kế hoạch và thực hiện chuyển container hàng nhập tồn lâu ngày (trên 90 ngày) đi cảng Tân Cảng Hiệp Phước để lấy thêm chỗ chứa container hàng nhập tại cảng Cát Lái; nghiên cứu ban hành chính sách giảm giá để khuyến khích chủ hàng đến nhận hàng sớm tại Cát Lái và Hiệp Phước.