Đà Nẵng: Doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại tăng mạnh
Ngày 22/1, thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Đà Nẵng (KH&ĐT) cho biết, trong năm 2020, thành phố có 4.274 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn đăng ký đạt 22.190 tỷ đồng, giảm 26,4% về số doanh nghiệp và giamr 19,6 % về vốn so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, tỷ trọng vốn bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2020 đạt 5,2 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2019 tỷ trọng vốn bình quân trong năm 2020 vẫn ổn định mức 5,2 tỷ đồng/01 doanh nghiệp.
Về lĩnh vực hoạt động, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 12 tháng năm 2020 so với cùng kỳ hầu hết các lĩnh vực đều giảm, đặc biệt giảm mạnh trong lĩnh vực: Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết (45%); kinh doanh bất động sản (45,8%); hoạt động dịch vụ khác (45,9%) và chỉ tăng ở 02 lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, nước gas (352%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (19%).
Về số doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động và hoàn tất thủ tục giải thể: trong năm 2020, có 2.118 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động, tăng 37% so với cùng ký năm 2017. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể cho 1.286 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tăng 59,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 là 1.270 doanh nghiệp, so với cùng ký năm trước tăng 12,2%. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh năm 2019 và 2020 kinh tế Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn.
Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng cho hay, so với tình hình chung của cả nước, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, giải thể, tạm ngừng hoạt động trên địa bàn TP. Đà Nẵng giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Nguyên do của tình hình trên, Sở KHĐT TP. Đà Nẵng lý giải, do tác động của dịch bệnh Covid-19 kéo dài cùng với tác động cộng hưởng từ những yếu tố khác, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 có sự sụt giảm đáng kể.
Đồng thời, số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm, số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng cao do nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi các chính sách hỗ trợ sắp tới từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.
Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng thông tin, phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài. Như vậy, với tác động nặng nề bởi 2 đợt dịch Covid-19 nên kinh tế thành phố năm 2020 không thể duy trì được mức tăng như những năm trước.
"Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tich cực cho thấy mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng hầu hết doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi, nhiều doanh nghiệp tìm được hướng kinh doanh mới, tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp", đại diện Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng cho hay.