Đại biểu Quốc hội nói gì khi Chính phủ trình bày dự án đường Hồ Chí Minh không cân đối được vốn?

25/05/2022 07:54 GMT+7
Được xác định là công trình giao thông trọng điểm, nhưng vốn cho dự án đường Hồ Chí Minh không được bố trí kịp thời, cần 5.500 tỷ đồng cho các hợp phần còn lại; và đã bị kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội.

Nêu đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ phải lưu ý tới việc cân đối vốn.

4 nhiệm kỳ Quốc hội cho dự án đường Hồ Chí Minh là "dài quá"

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Kim Toàn (Bình Định), báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe, với chiều dài khoảng 2.744 km. 

Đến nay, đã hoàn thành 2.362 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện. Trong đó, cần đến 5.500 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến còn lại.

Vì vậy, đại biểu Lê Kim Toàn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm về triển khai đầu tư dự án. Bởi đây là dự án kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, từ Quốc hội khóa XI đã xác định điểm đầu và điểm cuối, xác định tuyến đi như thế nào. Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, mới bắt đầu đầu tư, đến nay đến năm 2022, quá 2 năm chưa hoàn thành.

"Một công trình giao thông trọng điểm mà qua 4 nhiệm kỳ Quốc hội thì dài quá" – đại biểu Lê Kim Toàn đánh giá.

Dự án đường Hồ Chí Minh: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói không cân đối được vốn, ĐBQH cho rằng "bao biện" - Ảnh 1.

Đường vành đai 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chung băn khoăn với nhiều đại biểu, đại biểu Lê Kim Toàn cho biết thêm, về xác định nguồn vốn, đã xác định là công trình giao thông trọng điểm, nhưng vốn cho dự án đường Hồ Chí Minh không được bố trí kịp thời, cần 5.500 tỷ đồng cho các hợp phần còn lại. Trong khi đó, chúng ta vẫn dành vốn cho các công trình đầu tư khác.

"171 km đó, tại sao không báo cáo kịp thời để hoàn thành dự án, thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo nghị quyết của Quốc hội. Trong khi chúng ta có nguồn lực để bố trí các dự án công trình giao thông khác. Số tiền hơn 5.000 không phải là nhiều. Khi đã đánh giá tổng kết nghị quyết của Quốc hội, cần đánh giá thấu đáo, tránh những tồn tại ở các công trình đầu tư sau" đại biểu băn khoăn.

Không cân đối được nguồn vốn cho dự án đường Hồ Chí Minh - Chính phủ đã "bao biện"?

Thẳng thắn chia sẻ ý kiến của mình, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, việc Chính phủ giải thích dự án đường Hồ Chí Minh chậm do không cân đối được nguồn vốn (do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trong phiên họp 24/5 – PV) là "sự bao biện". Trên thực tế, nhiều dự án không giải ngân, nhiều chỗ phải trả lại vốn, đặc biệt vốn ODA.

"Tại sao chỗ không làm được thì bố trí vốn, còn chỗ cần thiết, quan trọng lại không bố trí được?", ông nói, đề nghị Quốc hội thống nhất đánh giá, yêu cầu Chính phủ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Dự án đã triển khai hơn chục năm nên phải tổng kết để tiếp tục triển khai. Trong đó, phần còn lại cần đưa vào quy hoạch đường bộ quốc gia để bố trí nguồn lực, phát huy hiệu quả toàn tuyến.

Trong phiên họp ngày 24/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo Quốc hội về dự án đường Hồ Chí Minh. Theo nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), quy mô tối thiểu hai làn xe với chiều dài 2.744 km. Đến nay các đơn vị đã hoàn thành 2.362 km, đạt 86% và 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km; còn lại còn 171 km chưa bố trí được vốn (dự kiến cần 10.700 tỷ đồng).

Đại biểu Nguyễn Đình Việt (đoàn Cao Bằng) thì cho rằng, trong báo cáo và tờ trình của Chính phủ về dự án đường Hồ Chí Minh, trong 3 dự án thành phần còn lại chưa được bố trí vốn, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến, tại Nghị quyết 66 xác định đầu tư theo hình thức BOT nhưng đoạn này lại song song với tuyến quốc lộ 32 và quốc lộ 21 hiện hữu, nên không hiệu quả, không hấp dẫn nhà đầu tư và 2 tuyến này đến nay vẫn cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải. 

Vì vậy, trước mắt ưu tiên cân đối bố trí vốn cho đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tập trung bố trí vốn để hoàn thành những đoạn đường còn lại của dự án đường Hồ Chí Minh.

"Chúng ta chậm rồi nhưng đây là nhiệm vụ bắt buộc phải làm" - Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị cần tiến hành tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng để rút kinh nghiệm, đề xuất đầu tư giai đoạn sau.

Dự án đường Hồ Chí Minh: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói không cân đối được vốn, ĐBQH cho rằng "bao biện" - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Qh)

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ đã rà soát trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn 5 năm phân bổ cho ngành Giao thông vận tải để bố trí cho hai đoạn tuyến Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Việc này nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân ở các vùng tuyến đường đi qua.

Với đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ về tính khả thi của việc hoàn thiện tuyến đường, nối thông toàn tuyến. Báo cáo rõ về phương án sử dụng tuyến đường thay thế.

Dự án đường Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2004, dự kiến hoàn thành vào năm 2010 với tổng chiều dài 3.183km, tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía tây dài 684km; đi qua 28 tỉnh, thành phố.


N.Minh
Cùng chuyên mục