Đại dịch cản bước Indonesia thoát bẫy thu nhập trung bình

15/12/2020 14:40 GMT+7
Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia BPS cho biết đại dịch đã đẩy 2,67 triệu người Indonesia vào tình trạng thất nghiệp tính đến tháng 8/2020, qua đó làm tăng tỷ lệ thất nghiệp lên 7,07% (tương đương 9,77 triệu người).

Hàng triệu dân nghèo Indonesia 'quằn quại' vì dịch Covid-19

Với Suryanti, một nhân viên đại lý du lịch ở Bogor, thành phố phía nam thủ đô Jakarta của Indonesia, mọi thứ đang trở nên tốt đẹp vào đầu năm nay. Cô trả xong khoản vay mua xe máy và đang có kế hoạch đi du lịch cùng bố mẹ với khoản tiền thưởng đầu năm.

Nhưng rồi đại dịch Covid-19 ập đến. Suryanti bị sa thải, không có thu nhập trong suốt 7 tháng. Cô buộc phải tìm đến công việc bán hàng online các sản phẩm khẩu trang, nước sát trùng. Nhưng số tiền kiếm được bình quân chỉ khoảng 14 USD mỗi tuần. “Điều đáng buồn nhất là tôi đã phải bán chiếc xe máy mới mua. Người mua biết tôi cần tiền gấp nên họ trả giá rất thấp”.

Sau 7 tháng trời không có việc làm, đến tháng 9 qua, công ty của Suryanti đã gọi cô quay trở lại vị trí cũ. Nhưng số giờ làm việc bị cắt giảm một nửa, tức là mức lương của cô cũng giảm tương ứng. “Tôi buộc phải nhận lời vì tôi thực sự cần công việc này. Rất nhiều người bạn của tôi đã bị cho thôi việc hẳn hoặc vẫn đang trong thời gian sa thải tạm thời”.

Đại dịch cản bước Indonesia thoát bẫy thu nhập trung bình - Ảnh 1.

Những hàng dài taxi chờ đón khách ở Indonesia

Câu chuyện của Suryanti chỉ là một trong hàng triệu người dân Indonesia khác đang phải vật lộn với cảnh mất việc làm khi đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Những thiệt hại kinh tế khổng lồ từ đại dịch đang đảo ngược hai thập kỷ tăng trưởng ổn định của Indonesia, vốn được thúc đẩy nhờ sự gia tăng tầng lớp trung lưu, sự bùng nổ du lịch và khởi nghiệp công nghệ.

Dịch bệnh cũng đang làm trì trệ chiến dịch cải tổ hệ thống giáo dục cũng như hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn của nước này, bao gồm di dời thủ đô trị giá 33 tỷ USD từ Jakarta đến đảo Borneo. Hệ quả kinh tế từ đại dịch cũng đe dọa kế hoạch thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2045 của Indonesia.

Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia BPS cho biết đại dịch đã đẩy 2,67 triệu người Indonesia vào tình trạng thất nghiệp tính đến tháng 8/2020, qua đó làm tăng tỷ lệ thất nghiệp lên 7,07% (tương đương 9,77 triệu người). Đây là lần đầu tiên tỷ lệ thất nghiệp của Indonesia vượt quá 7% kể từ năm 2011.

Đại dịch cản bước Indonesia thoát bẫy thu nhập trung bình - Ảnh 2.

2020 là một năm tồi tệ của kinh tế Indonesia

Hơn 24 triệu người lao động chính thức trở thành nhân viên bán thời gian, bị cắt giảm lương và số giờ làm, bị đẩy vào khu vực lao động phi chính thức. Theo thống kê của BPS, lực lượng lao động phi chính thức của Indonesia đã tăng từ mức 55,9% trong năm 2019 lên 60,5% trong năm 2020, đánh dấu sự thụt lùi trong 2 thập kỷ nỗ lực của chính phủ Indonesia để xây dựng thị trường lao động mạnh mẽ. Cần nhấn mạnh một điều, thị trường lao động đóng vai trò quan trọng với Indonesia trong việc gia tăng nguồn thu ngân sách thuế để tài trợ các hoạt động nghiên cứu phát triển.

Mức lương bình quân hàng tháng của người lao động Indonesia cũng giảm 5,18% xuống 2,76 triệu rupiah so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu được thống kê vào tháng 8 năm nay. Sự giảm sút thu nhập khiến chi tiêu hộ gia đình - yếu tố đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng GDP quốc gia - trở nên suy yếu. Indonesia ghi nhận tăng trưởng kinh tế -5,32% trong quý II và -3,49% trong quý III/2020, chính thức bước vào cuộc suy thoái đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ.

Đại dịch cản bước Indonesia thoát bẫy thu nhập trung bình - Ảnh 3.

2020 dự kiến sẽ là năm đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ Indonesia chứng kiến tăng trưởng âm

Cuộc khủng hoảng đại dịch ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình thu nhập thấp, người lao động tay chân trình độ thấp. Bogi, một tài xế taxi ở Jakarta (40 tuổi) cho biết anh đã phải vật lộn để kiếm được thu nhập nuôi sống gia đình. Sự cạnh tranh gay gắt với các dịch vụ gọi xe công nghệ khiến anh chỉ kiếm được vài hành khách mỗi ngày. “Có ngày tôi chỉ mang về nhà 20.000 rupiah. Tôi và con trai tôi thậm chí phải chia nhau một cốc mì ăn liền. Con trai tôi thỉnh thoảng phải đi hát rong để phụ giúp kiếm tiền. Vợ tôi đùa rằng nó thậm chí còn kiếm được nhiều tiền hơn tôi”.

Thách thức để thoát bẫy thu nhập trung bình

Nhờ đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định, tỷ lệ nghèo đói của Indonesia đã giảm dần từ mức 23% trong năm 1999 xuống 9,66% trong năm 2018. Vào tháng 7, Ngân hàng Thế giới đã nâng cấp Indonesia vào nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình trên sau hơn hai thập kỷ nằm trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Năm ngoái, tổng thu nhập bình quân đầu người trên GDP quốc gia Indonesia đạt 4.050 USD.

Nhưng dịch bệnh đang có nguy cơ đẩy hàng triệu hộ gia đình Indonesia trở lại cảnh nghèo đói. Hồi tháng 10, Ngân hàng Thế giới cảnh báo số dân nghèo cùng cực (thu nhập dưới 1,9 USD/ ngày) tại Indonesia dự kiến sẽ tăng lên 3% trong năm nay, lần tăng đầu tiên kể từ năm 2006.

Đại dịch cản bước Indonesia thoát bẫy thu nhập trung bình - Ảnh 4.

Tỷ lệ nghèo đói ở Indonesia có xu hướng tăng trong năm 2020

Chính phủ Indonesia đã công bố các gói kích thích kinh tế với tổng trị giá 695 nghìn tỷ rupiah, tương đương 4,2% GDP. Trong đó bao gồm 203,9 nghìn tỷ rupiah cứu trợ dành riêng cho các hộ gia đình nghèo. Tuy nhiên, hoạt động kém hiệu quả của bộ máy hành chính đã khiến quá trình giải ngân trì trệ đáng kể.

Moody's cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập, đặc biệt là ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Đây là 3 nước có tốc độ tăng trưởng thuộc top nhanh nhất thế giới kể từ năm 2000 đến nay, nhưng đồng thời cũng có mức tăng hệ số Gini (đo lường bất bình đẳng thu nhập) cao hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Trong ngắn hạn, Indonesia đang đạt tốc độ tăng trưởng khả quan hơn một số nước láng giềng. Đầu tháng này, Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB dự báo kinh tế Indonesia giảm tốc 2,2% trong năm nay. Con số này đỡ ảm đạm hơn mức giảm tốc 6% được dự báo cho Malaysia, 8,5% cho Philippines và 7,8% cho Thái Lan.

Nhưng trong dài hạn, hậu quả để lại có thể trầm trọng hơn, bởi đại dịch đang trì hoãn những cải cách bức thiết trong giáo dục mà Tổng thống Joko Widodo đã cam kết khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai. Sau nhiệm kỳ đầu tiên tập trung vào các cải cách cơ sở hạ tầng, ông Joko Widodo từng tuyên bố đã đến lúc cải tổ giáo dục, xây dựng một lực lượng lao động tay nghề cao để hướng tới tương lai Indonesia 4.0.

"Chúng ta có tiềm năng rất lớn để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình", ông Widodo từng khẳng định trong bài phát biểu nhậm chức sau khi tái đắc cử vào tháng 10/2019. Một trong những nhiệm vụ cấp bách để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình chính là phát triển nguồn nhân lực thông qua hệ thống giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội tốt hơn, theo Giám đốc ADB khu vực Indonesia Winfried Wicklein. Tuy nhiên thay vì thực hiện cải cách, đại dịch đã buộc 68 triệu thanh thiếu niên Indonesia phải học từ xa kể từ tháng 3 đến nay.

Ở một khía cạnh khác, thâm hụt tài khóa của Indonesia dự kiến sẽ tăng lên 6,3% GDP trong năm nay sau hàng loạt gói kích thích tài khóa khổng lồ giữa lúc nguồn thu ngân sách từ thuế giảm. Quốc hội đã chấp thuận xóa bỏ trần thâm hụt 3% cho đến năm 2022, nhưng tỷ lệ nợ trên GDP quốc gia của Indonesia được dự báo sẽ tăng từ 30% GDP vào năm 2019 lên mức 42% GDP vào năm 2022.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 5/11 cho biết thời điểm suy thoái tồi tệ nhất đã đi qua khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Thêm vào đó, lô vaccine Covid-19 đầu tiên từ Sinovac Trung Quốc đã được chuyển đến Jakarta vào hôm 6/12, mở ra hy vọng kiểm soát đại dịch Covid-19. Nhưng cho đến nay, hiệu quả của vaccine cũng như việc mất bao lâu để hoàn tất công tác tiêm chủng vaccine cho toàn bộ 270 triệu dân Indonesia vẫn là những câu hỏi lớn.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Indonesia ghi nhận bình quân 6.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tính đến 14/12, nước này là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai châu Á chỉ sau Ấn Độ, với 623.309 ca nhiễm Covid-19 và 18.956 trường hợp tử vong.

Chỉ có một tín hiệu sáng đáng mừng là nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia ghi nhận những dấu hiệu mở rộng bất chấp đại dịch. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2020 của Google, Temasek và Bain & Co phát hành hồi tháng 11, tổng giá trị hàng hóa trong nền kinh tế kỹ thuật số nước này sẽ tăng 11% lên 44 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, thương mại điện tử là lĩnh vực dẫn đầu với mức tăng dự kiến 54% lên 32 tỷ USD. Dự báo đến năm 2025, quy mô nền kinh tế internet sẽ tăng lên mức 124 tỷ USD.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục