Indonesia rơi vào suy thoái kinh tế lần đầu tiên sau 2 thập kỷ

05/11/2020 16:37 GMT+7
Nền kinh tế Indonesia đã chứng kiến lần suy thoái đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ hồi quý III vừa qua khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 tấn công quốc gia Đông Nam Á.
Indonesia rơi vào suy thoái kinh tế lần đầu tiên sau 2 thập kỷ - Ảnh 1.

Indonesia rơi vào suy thoái kinh tế lần đầu tiên sau 2 thập kỷ

Báo cáo được công bố bởi cơ quan thống kê Indonesia hôm 5/11 cho thấy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế -3,49% trong quý III/2020. Đây là quý II liên tiếp Indonesia ghi nhận kết quả GDP giảm tốc, đồng nghĩa với việc quốc gia này đã rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật.

Hồi quý II, tăng trưởng kinh tế Indonesia rơi xuống mức -5,32% từ mức 2,9% đạt được hồi quý I. Đây là tốc độ tăng trưởng yếu nhất trong hơn một thập kỷ của nền kinh tế Đông Nam Á này. Lần gần nhất Indonesia rơi vào suy thoái kinh tế là năm 1997. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến cuộc suy thoái năm nay là do sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Cho đến nay, Indonesia báo cáo gần 422.000 ca nhiễm Covid-19, là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ hai Châu Á chỉ sau Ấn Độ.

Suhariyanto, người đứng đầu cơ quan thống kê Quốc gia Indonesia cho rằng việc các nhà chức trách phong tỏa giao thông và đóng cửa nhiều doanh nghiệp để hạn chế sự lây lan dịch bệnh đã gần như bóp nghẹt nền kinh tế. Lĩnh vực kinh doanh ẩm thực, khách sạn cũng suy yếu do người dân có xu hướng ở nhà để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã tìm cách kích thích nền kinh tế thông qua cắt giảm thuế và nới lỏng chi tiêu ngân sách cho các gói cứu trợ Covid-19. Cụ thể, Indonesia đã phê duyệt gói cứu trợ lên tới 677,2 nghìn tỷ rupiah (47,9 tỷ USD) vào tháng 6 để hồi sinh nền kinh tế. Gói cứu trợ này lớn hơn gói 641,17 nghìn tỷ rupiah (45,3 tỷ USD) được phân bổ hồi tháng 4 để kiểm soát dịch bệnh.

Nhưng tốc độ giải ngân chậm và sự lây lan mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đã cản trở tốc độ phục hồi kinh tế. Tính đến hôm 4/11, Indonesia báo cáo ít nhất 14.000 trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2 và bình quân 3.000-4.000 trường hợp ca nhiễm mới mỗi ngày trong gần 2 tháng qua.

Liên Hợp Quốc và một số tổ chức kinh tế toàn cầu cảnh báo tình trạng thất nghiệp và trì trệ kinh tế đang có nguy cơ xóa sổ thành tựu xóa đói giảm nghèo mà chính phủ Indonesia giành được trong nhiều thập kỷ qua.

NTTD
Cùng chuyên mục