Đại dịch Covid-19 thổi bay 22 triệu việc làm tại các nước phát triển

08/07/2021 14:41 GMT+7
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD mới đây cho hay đại dịch Covid-19 đã thổi bay 22 triệu việc làm tại các nền kinh tế phát triển.

Báo cáo triển vọng việc làm thường niên của OECD chỉ ra rằng các nỗ lực duy trì việc làm trong thời kỳ đỉnh điểm cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 chỉ cứu được khoảng 21 triệu việc làm ở các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trong dài hạn, các quốc gia giàu có vẫn phải đối mặt với mối đe dọa tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao do nhiều lao động trình độ thấp mất việc trong cuộc khủng hoảng đại dịch.

Stephane Carcillo, người đứng đầu bộ phận việc làm và thu nhập của OECD cho hay: “Nhiều việc làm bị mất trong cuộc khủng hoảng đại dịch này sẽ không được phục hồi”. Vào tháng 5/2021, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước OECD đã giảm xuống còn 6,6% tương đương 22 triệu người, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức chưa đầy 1% trước đại dịch.

Đại dịch Covid-19 thổi bay 22 triệu việc làm tại các nước phát triển - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 thổi bay 22 triệu việc làm tại các nước phát triển (Ảnh: Bloomberg)

OECD kỳ vọng thị trường việc làm sẽ phục hồi sớm nhất vào quý III/2023. Tuy nhiên, tại một số quốc gia nhất định, chẳng hạn các quốc gia châu Á Thái Bình Dương, đà phục hồi có thể nhanh hơn do các quốc gia này đã xử lý cuộc khủng hoảng đại dịch tốt hơn so với các quốc gia phương Tây.

Tác động của tình trạng thiếu việc làm kéo dài nhất là với nhóm người lao động trình độ thấp, nữ giới, người da màu…

Báo cáo của OECD cũng cho thấy người trẻ là nhóm có khả năng bị tác động nhiều hơn so với nhóm người lao động trưởng thành. Stefano Scarpetta, giám đốc việc làm, lao động và xã hội của OECD nhận định nhóm người trẻ có thể phải chịu tác động trong dài hạn cả về việc làm và tiền lương. 

Nghiên cứu của OECD chỉ ra rằng tác động từ đại dịch đến nhóm lao động trẻ tuổi cao hơn ít nhất gấp đôi nhóm lao động trưởng thành, đặc biệt là ở Canada, Hoa Kỳ, Mexico và Tây Ban Nha. 

Theo dữ liệu của tổ chức kinh tế này, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, phải mất ít nhất 1 thập kỷ để phục hồi những việc làm đã mất của nhóm người lao động trẻ. Để tránh tình huống đó lặp lại trong cuộc khủng hoảng lần này, các chính phủ cần có những biện pháp tích cực chẳng hạn đào tạo lại hay nâng cao trình độ lao động trẻ thông qua học nghề…, theo chuyên gia phân tích Stefano Scarpetta.

Sự xuất hiện của xu hướng làm việc từ xa là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch. Nó khuyến khích người sử dụng lao động linh hoạt hóa chính sách làm việc để tuyển dụng lao động ở bất cứ đâu. Ông Scarpetta nhận định trong tương lai, có tiềm năng lớn xu hướng làm việc từ xa sẽ trở nên phổ biến, giúp phân chia lại thị trường lao động, xóa nhòa khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, chẳng hạn khả năng tiếp cận việc làm và các nguồn lực. 


NTTD
Cùng chuyên mục