"Điềm xấu" với kinh tế toàn cầu khi Nhật Bản chuẩn bị ban bố tình trạng khẩn cấp mới
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5,2% trong năm 2021, trong đó mức tăng trưởng cho châu Á là 6,9%. Morgan Stanley thì lạc quan hơn khi dự báo tăng trưởng GDP 6,4% trên toàn cầu. Nhưng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới Nhật Bản có vẻ như đang trên đà hướng tới một sự giảm tốc mới khi Thủ tướng Suga trong tuần này tuyên bố cân nhắc đưa Tokyo trở lại tình trạng khẩn cấp.
Động thái như vậy có thể làm thiệt hại 0,7% GDP Nhật Bản mỗi tháng. Sẽ không bất ngờ nếu Nhật Bản quay trở lại suy thoái, bởi doanh số bán lẻ tại quốc gia này đã giảm mạnh trong tháng 11 còn giá tiêu dùng ở thủ đô Tokyo thì giảm mạnh nhất trong một thập kỷ.
Những gì xảy ra với Nhật Bản chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, bởi đây là nền kinh tế lớn thứ ba hành tinh và có đóng góp quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhật Bản cho đến nay vẫn là nhà xuất khẩu lớn của thế giới và là nguồn đầu tư nước ngoài quan trọng với phần còn lại của toàn cầu. Bloomberg giả định nếu Tokyo và các quận xung quanh nó được tính là một quốc gia thì quốc gia này đủ điều kiện để lọt top G8. Nhưng khu vực này đang có nguy cơ trở lại tình trạng khẩn cấp từ 7/1 khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt.
Thực tế chứng minh những xu hướng kinh tế toàn cầu có mối tương đồng lớn với thực trạng kinh tế Nhật Bản: từ suy giảm dân số đến làn sóng phá sản, từ lạm phát quá thấp đến các biện pháp nới lỏng định lượng của chính phủ. Các nhà quan sát hoàn toàn có cơ sở khi quan ngại rằng một đợt đóng cửa mới ở Nhật Bản ngay đầu năm mới sẽ là “điềm báo” cho các nền kinh tế hàng đầu thế giới khác.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Thủ tướng Suga có lẽ sẽ không quá hà khắc, bởi ông này khó có thể đưa ra các quyết định nếu không có sự ủng hộ của các quan chức cấp địa phương. Chẳng hạn như ông Suga có thể yêu cầu nhà hàng đóng cửa sớm và khuyến khích doanh nghiệp cho phép người lao động làm việc tại nhà, nhưng thống đốc Tokyo sẽ có quyền hạn nhiều hơn trong việc buộc người dân thực thi điều đó; theo ông Scott Seaman, Giám đốc khu vực châu Á tại Eurasia Group. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là tuyên bố của Thủ tướng thiếu tính hiệu lực cần thiết. Nó sẽ là tín hiệu quan trọng với người dân trong việc tự bảo vệ bản thân mình khi dịch Covid-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp.
Bài đăng trên tờ Bloomberg nhận định Thủ tướng Suga cho đến nay có vẻ như đang mắc kẹt trong việc xử lý khủng hoảng đại dịch kể từ khi ông kế nhiệm cựu Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 9 năm ngoái. Về lý thuyết, việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 sẽ tăng cường sức mạnh chính trị cho Suga trong cả Đảng Dân chủ tự do và cử tri nói chung. Nhưng cho đến nay, với tất cả các công cụ tài khóa - tiền tệ của Nhật Bản, ông Suga vẫn chưa thể hiện được một cú đột phá cần thiết.
Không riêng Thủ tướng Suga, Haruhiko Kuroda - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đang loay hoay tìm ra một hướng đi mới cho chính sách tiền tệ. Hồi tháng 12, ông Kuroda tuyên bố ngân hàng Trung ương sẽ dành 3 tháng để đánh giá lại các chính sách tiền tệ, tập trung vào kiểm soát lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, đồng thời duy trì lãi suất cơ bản ở mức âm. Nhưng 3 tháng có vẻ là quá trễ. Khi mà các tin xấu về Covid-19 đang ngày một nhiều lên, thì việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa có vẻ là con đường thích hợp nhất.
(Bài phân tích của Daniel Moss, chuyên gia kinh tế châu Á tại Bloomberg)