Đắk Nông: "Mặc áo hoa" cho những con đường biên giới
Nhiều năm qua, huyện Tuy Đức luôn làm tốt công tác dân vận trên địa bàn bởi qua những lời kêu của chính quyền người dân nơi đây sẵn sàng dân hiến đất, góp vốn, mở đường...
Sự quan tâm đặc biệt
Là một xã biên giới của huyện Tuy Đức (giáp Campuchia), Quảng Trực trước đây có hệ thống giao thông hạn chế, đi lại khó khăn. Nhưng được sự quan tâm, ưu tiên của tỉnh đã giành nhiều nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, nhiều tuyến đường của xã đã được bê tông hóa, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn.
Hiện nay, toàn xã Quảng Trực có 76,5/99,5 km đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa. Trong thời gian tới, để tạo động lực cho việc phát triển kinh tế địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương sẽ tiếp tục nâng cấp hạ tầng giao thông.
Cũng tương tự xã Quảng Trực, xã Đắk Búk So nở rộ phong trào tình nguyện hiến đất, ngày công, tiền của… làm các con đường GTNT. Vì vậy mỗi năm những tuyến đường được bê tông, nhựa hóa trên địa bàn xã Đắk Búk So không ngừng được nối dài.
Đến nay, toàn xã Đắk Búk So đã nhựa hóa được 62,73% trục đường chính, xã, liên xã; 71,75% trục đường thôn, liên thôn; 78,54% đường làng, ngõ xóm; bê tông hóa được 73,25 km đường GTNT.
Không giấu được vẻ vui mừng khi nhìn thấy những con đường GTNT tại xã ngày một khởi sắc, ông Điểu Huy, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chia sẻ: "Vùng này, chủ yếu là người đồng bào M'Nông sinh sống, trước đây đường đất đi lại khó khăn, trời mưa thì lầy lội, giao thông có nhiều đoạn bị chia cắt. Bây giờ, thấy đường được đầu tư xây dựng sạch, đẹp việc đi lại dễ dàng nên thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ nông sản hơn".
Ông Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So cho biết: "Trong những năm qua, địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng đường giao thông nông thôn, tạo bàn đạp thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn".
Ông Phạm Ngọc Ẩn - Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, huyện Tuy Đức có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác ở nhiều khu vực khác nhau.
Trước đây, hạ tầng giao thông của huyện còn manh mún, khó khăn. Những năm qua, huyện đã tập trung các nguồn vốn, huy động các nguồn lực xã hội khác để nâng cấp, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, đã tạo ra sự kết nối giữa các vùng, rút ngắn khoảng cách từ thôn lên xã, từ xã lên huyện, đáp ứng được sự mong mỏi của người dân địa phương.
"Nhiều tuyến đường sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã trở thành động lực to lớn trong việc thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương. Hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng giúp địa phương thuận lợi hơn trong thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư… tham gia đầu tư vào phát triển du lịch, nông nghiệp, qua đó phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương", ông Ẩn nhấn mạnh.
Những con số chứng minh hiệu quả
Theo UBND huyện Tuy Đức, phát triển giao thông nông thôn luôn được huyện xác định là khâu đột phá để thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương. Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát, đánh giá cụ thể từng xã và phân loại đường giao thông để đầu tư xây dựng. Qua đó, huyện lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, của huyện và huy động các nguồn lực khác để đầu tư xây mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông.
Đến nay, toàn huyện đã cứng hóa được 362,49 km đường giao thông, chiếm khoảng 51% tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn (trừ quốc lộ 14 C). Trong đó, đường xã cứng hóa được 188,73/643,7km, chiếm 34,28%; đường liên thôn, bon, đường ngõ xóm cứng hóa được 285,49/500km, chiếm 57,1%; đường trục chính nội đồng cứng hóa được khoảng 12,3/21 km; còn lại chủ yếu là đường cấp phối và đường đất, chiếm 58,5%.
Sau những nỗ lực không ngừng đầu tư GTNT huyện Tuy Đức đã có sự thay đổi vượt bậc. Nhiều tuyến đường đã được nâng cấp, mở rộng, việc đi lại của người dân đã trở nên thuận tiện... không còn những tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp, bụi bay mù mịt.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, công tác xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng luôn được các ngành, các cấp chú trọng quan tâm thực hiện. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự hưởng ứng tích cực của người dân nông thôn nên các công trình đường giao thông từng bước được đầu tư xây dựng kiên cố, sạch đẹp, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa.
Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện hiệu quả, đa số người dân trên địa bàn đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng lòng và tích cực tham gia đóng góp. Trong năm 2020, đã ghi nhận đóng góp trong cộng đồng, bao gồm ngày công, tiền mặt, hiến đất đai,…đạt 227,438 tỷ đồng.
Trong năm 2020, toàn tỉnh có 41/60 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 29/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay bộ mặt nông thôn ở các xã đã có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 49,56tr/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,98%.