ĐBQH kiến nghị mời thanh tra, kiểm toán nhà máy nước mặt sông Đuống của Shark Liên

14/11/2019 06:52 GMT+7
Trước thông tin của Hà Nội về việc trong mức giá 10.246 đồng/m3 tạm tính của Nhà máy nước mặt sông Đuống có khoảng 2.003 đồng là trả lãi vay của nhà đầu tư, ĐBQH, ủy viên Thường trực UB Kinh tế của Quốc hội, Đỗ Văn Sinh, kiến nghị phải mời cơ quan thanh tra, kiểm toán vào, tránh tình trạng BOT giá nước.

Bên hành lang phiên họp Quốc hội hôm qua, ĐBQH Đỗ Văn Sinh trao đổi với báo chí xung quanh câu trả lời của giám đốc Sở tài chính Hà Nội về thông tin trong mức giá 10.246 đồng/m3 tạm tính của Nhà máy nước mặt sông Đuống có khoảng 2.003 đồng/m3 là trả lãi vay ngân hàng cho nhà đầu tư Công ty CP nước mặt sông Đuống của Shark Liên.

Tăng giá nước để nhà đầu tư trả lãi vay: Khó chấp nhận

Theo ĐBQH Đỗ Văn Sinh, cung ứng nước sạch là một loại dịch vụ công, điều quan trọng phải là chất lượng, môi trường, giá thành hợp lý, nếu rẻ nhất thì càng tốt và không được để thất thoát.

“Còn việc nhà đầu tư muốn đầu tư thế nào, đầu tư bao nhiêu là việc của ông. Thế nên, cần gì phải bàn là phải trả lãi vay bao nhiêu. Nếu tăng giá thì anh phải có lý giải thuyết phục và giá đó không thể đứng trên mặt bằng chung. Còn nói tăng giá nước do có hơn 2.000 đồng để trả lãi vay thì rất khó chấp nhận”, ĐBQH Đỗ Văn Sinh nhận định.

Dân phải gánh 2.003 đồng/m2 lãi vay cho nhà máy nước mặt sông Đuống, ĐBQH kiến nghị thanh tra dự án - Ảnh 1.

Ủy viên Thường trực UB Kinh tế của QH Đỗ Văn Sinh: Nên mời Thanh tra, Kiểm toán làm rõ giá nước sạch cho tường minh

Ủy viên thường trực UB Kinh tế cho rằng, trong mặt bằng chung hiện nay mà giá nước sạch mua của Nhà máy nước mặt sông Đuống hơn 10.000 đồng/m3 là cao, khi giá nước sạch tại Hà Nội chỉ khoảng 7.000 đồng/m3.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất ở đây là đấu thầu, đấu giá cuối cùng của sản phẩm đầu ra một cách công bằng, minh bạch nhất.

“Câu chuyện hiện nay là chúng ta mong muốn tất cả các lĩnh vực đều phải minh bạch, phải có sự đồng tình và giám sát của người dân. Vì dân phải trả tiền cho các dịch vụ đó thì phải cung cấp thông tin, đặc biệt là các danh mục đầu tư công hoặc các dịch vụ công mà Nhà nước xã hội hóa thì phải minh bạch”, ông Sinh nói.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh cũng cảnh báo, giá nước sạch không minh bạch sẽ dễ xảy ra một số trong tình trạng như BOT. Vừa qua cũng đã xuất hiện một vài tình trạng không minh bạch dẫn đến người dân không tin tưởng, phải giải thích rất mất thời gian.

“Tôi nghĩ nếu minh bạch ngay từ đầu thì người dân sẵn sàng chấp nhận”, ĐBQH Đỗ Văn Sinh lưu ý.

Trước thông tin nghi vấn về sự cạnh tranh không lành mạnh trong câu chuyện tăng giá nước sông Đuống, ĐBQH Đỗ Văn Sinh nêu ý kiến: “Để cho minh bạch mọi việc, làm rõ có việc có thiên vị hay cạnh tranh không lành mạnh không, tốt nhất nên mời các cơ quan thanh tra, kiểm tra hoặc kiểm toán cho tường minh và thông tin cho người dân để tạo sự đồng thuận”.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thì cho rằng chuyện tăng giá nước hay không là việc của các doanh nghiệp phải tính toán lại. Ông lưu ý thời điểm nhạy cảm này, không nên đề cập đến việc tăng giá nước.

Dân phải gánh 2.003 đồng/m2 lãi vay cho nhà máy nước mặt sông Đuống, ĐBQH kiến nghị thanh tra dự án - Ảnh 3.

ĐB Nguyễn Anh Trí: DN phải tính toán lại việc tăng giá nước hay không

Trước thông tin nghi ngờ có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp nước sạch, ĐB đoàn Hà Nội cho rằng các cơ quan, kể cả TP Hà Nội phải có trách nhiệm làm rõ điều đó.

Thu Hằng - Trần Thường (Vietnamnet)

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục