Đằng sau con số tăng trưởng GDP quý III 'màu hồng' của Trung Quốc
Tăng trưởng GDP quý III thấp hơn dự báo
Tăng trưởng GDP quý III của Trung Quốc đạt 4,9%, vượt qua mức 3,2% trong quý II nhưng lại kém xa dự báo 5,5% của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát do Bloomberg thực hiện.
Một phần nguyên nhân khiến mức tăng trưởng thấp hơn dự báo là do nhập khẩu bất ngờ tăng 13,2% trong tháng 9, qua đó làm suy giảm đóng góp ròng của thương mại vào tăng trưởng GDP. Cụ thể, xuất khẩu ròng chỉ đóng góp 0,6% vào tăng trưởng GDP Trung Quốc trong quý III, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia.
Tính đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 0,7% trong năm nay, tức phục hồi hoàn toàn sau hai quý đầu năm thiệt hại vì cuộc khủng hoảng đại dịch.
Niềm tin tiêu dùng còn bất ổn
Trong khi lĩnh vực công nghiệp đã bước vào giai đoạn phục hồi từ lâu, người tiêu dùng Trung Quốc cho đến nay mới bắt kịp đà này. Tăng trưởng doanh số bán lẻ đạt 3,3% trong tháng 9, cao hơn nhiều mức ước tính 1,6% của các chuyên gia kinh tế Bloomberg.
Doanh số bán lẻ ngoại trừ bán xe tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Bắc Kinh kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 từ sớm đã thúc đẩy các ngành dịch vụ du lịch nội địa, nhà hàng… dần sôi động trở lại. Chi tiêu tiêu dùng cũng tăng mạnh trong dịp ngày nghỉ Tuần lễ vàng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tính trong 9 tháng đầu năm nay, doanh số bán lẻ vẫn chứng kiến mức giảm mạnh 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đòn bẩy tài chính gia tăng
Tỷ lệ nợ hộ gia đình, doanh nghiệp phi tài chính và chính phủ trên tổng GDP quốc gia Trung Quốc hiện đã tăng lên 269,2% trong quý III, theo dữ liệu của Bloomberg. Điều này phản ánh các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng mà Bắc Kinh đã, đang thực hiện để bảo vệ nền kinh tế khỏi hệ lụy nặng nề của cuộc khủng hoảng đại dịch.
Đầu tư tài sản cố định còn yếu
Dù đầu tư tài sản cố định chứng kiến những chuyển biến tích cực trong 9 tháng đầu năm nhưng theo Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, “một điều đáng ngạc nhiên là tốc độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu”. Điều đó có thể phản ánh “những trở ngại mà chính quyền địa phương đang gặp phải trong việc chọn lọc các dự án đầu tư tiềm năng và triển vọng tốt”.
Trong khi đó, đầu tư vào bất động sản đã tăng vượt trội 5,6% trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, dù chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực siết chặt lĩnh vực này bằng biện pháp mà giới truyền thông nhà nước gọi là “ba lằn ranh đỏ”. Các ý kiến quan ngại rằng tình trạng nợ nần sẽ gia tăng từ các dự án đầu tư bất động sản khổng lồ. Một minh chứng rõ rệt là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc China Evergrande Group vừa phải đối mặt với khủng hoảng tiền mặt vào tháng trước.
Chi tiêu nhà nước tiếp tục là yếu tố chính trong đầu tư, với chi tiêu cơ sở hạ tầng tăng 0,2% trong 9 tháng đầu năm. Ngược lại, đầu tư tài sản cố định ở khu vực kinh tế tư nhân tiếp đà giảm tốc.