Danh sách đen của Mỹ toàn doanh nghiệp có liên hệ với quân đội Trung Quốc
Theo nghiên cứu của Nikkei, khoảng 3/4 công ty bị Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tháng 8 qua đều có giao dịch với Quân đội Trung Quốc, một dấu hiệu cho thấy Quân đội ngày càng liên kết chặt chẽ hơn với khu vực kinh tế tư nhân dưới sự thúc đẩy chính sách “hợp nhất quân sự - dân sự” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Vào tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa thêm 24 công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì cáo buộc giúp đỡ Bắc Kinh trong các hoạt động quân sự ở Biển Đông. 18 trong số 24 công ty này có quan hệ với quân đội Trung Quốc, theo đánh giá của Nikkei.
Trong đó, 8 công ty thuộc một trong ba tập đoàn có 100% vốn sở hữu Nhà nước là Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, Tập đoàn Điện tử Trung Quốc và Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc. Các tập đoàn này đều nằm trong danh sách 10 nhà thầu quân sự hàng đầu Trung Quốc, theo Cục Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng (SASTIND). Phía Mỹ cáo buộc 8 công ty này cung cấp thiết bị điện tử, phần mềm và thiết bị liên quan phục vụ hoạt động của các đơn vị quân sự Trung Quốc ở Biển Đông.
Một số công ty khác cũng thuộc sở hữu của các chính quyền cấp tỉnh tại Trung Quốc. Theo điều tra của Nikkei, các trang web chính thức của các công ty này hiển thị những sản phẩm cung cấp cho quân đội Trung Quốc.
Mối quan hệ hợp nhất quân - dân sự như vậy có thể là rào cản với các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc toàn cầu hóa, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và Mỹ nhiều lần chỉ trích các công ty tư nhân thực chất được hậu thuẫn bởi chính phủ Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Mỹ bị cấm xuất khẩu hàng hóa cho những thực thể này trừ khi được Bộ Thương mại cấp phép đặc biệt để xuất khẩu. Nhưng trong đa số trường hợp, hầu như các đơn xin cấp phép xuất khẩu như vậy đều bị từ chối.
Bên cạnh danh sách đen của Bộ Thương mại, 11 doanh nghiệp Trung Quốc bị Bộ Quốc phòng Mỹ thêm vào danh sách “thực thể có mối liên hệ với quân đội” hôm 28/8 cũng bao gồm hàng loạt các chi nhánh, công ty con của Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn Khoa học & Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc. Cả hai tập đoàn này đều nằm trong số 10 nhà thầu quân sự hàng đầu Trung Quốc. Thậm chí Tập đoàn Khoa học & Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc còn tham gia phát triển, nghiên cứu công nghệ tên lửa. Những nhà thầu này cũng đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ Mỹ.
Một số khác nằm trong tầm ngắm của chính quyền Trump bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (Aviation Industry Corp.) chế tạo máy bay chiến đấu, Tập đoàn Aero Engine Corp. chế tạo động cơ cho máy bay chiến đấu và một số doanh nghiệp khác chế tạo vũ khí chiến đấu như súng, xe tăng.
Tờ Nikkei cho hay quân đội Trung Quốc có khả năng bố trí sĩ quan vào các chức vụ điều hành công ty có liên kết với quân đội để tạo điều kiện cho việc phát triển và cung cấp sản phẩm phục vụ quân sự.
Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh chính sách hợp nhất quân - dân sự, qua đó tận dụng sức mạnh công nghệ của các công ty công nghệ cao để phát triển hiện đại hóa lĩnh vực quân sự.
Ví dụ, tàu sân bay Shandong được đưa vào hoạt động tháng 12/2019 của Trung Quốc là kết quả từ sáng kiến hợp nhất quân - dân sự của chính quyền ông Tập Cận Bình. Tổng cộng có tới 532 công ty đóng góp vào việc phát triển tàu sân bay này, dẫn đầu là Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc.
Theo nguồn tin thân cận của Nikkei, quân đội Trung Quốc cũng đang làm việc với hàng loạt công ty dân sự về lĩnh vực công nghệ tự hành.