Dấu hiệu xác nhận kinh tế phục hồi, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 4,5% - 5% trong quý III

31/08/2023 08:24 GMT+7
Đây là dự báo của các chuyên gia ngân hàng Maybank sau kết quả lạc quan về sản xuất công nghiệp, đầu tư công và doanh số bán lẻ trong quý II.

Mới đây, các nhà nghiên cứu của Maybank gồm Brian Lee Shun Rong và tiến sĩ Chua Hak Bin đã phát hành báo cáo Kinh tế Việt Nam với tựa đề tạm dịch "Xuất khẩu phục hồi, kỳ vọng GDP quý 3 tăng trưởng mạnh mẽ". Trong đó các nhà nghiên cứu cho rằng tăng trưởng GDP quý III (công bố vào ngày 29/9) có thể sẽ tăng lên khoảng 4,5%-5% (so với +4,1% trong quý 2).

Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 4.5% - 5% trong Quý 3 - Ảnh 1.

Việt Nam - Các chỉ số kinh tế vĩ mô chính.

Sản xuất công nghiệp ghi nhận tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp

Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 ghi nhận tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, (trong khi tháng 7 là +3,7%), tăng 2,9% so với tháng trước. Mức tăng trưởng cùng kỳ chậm hơn so với tháng trước chủ yếu là do khai thác mỏ giảm 6,2%, trong khi tháng 7 con số này là tăng 4%.

Sản xuất vẫn duy trì ổn định ở mức tăng trưởng +3,5% (trong khi tháng 7 là +3,6% ). Dẫn đầu mức tăng là sản xuất thực phẩm (+11,4%), đồ uống (+8,5%), sản phẩm hóa chất (bao gồm phân bón) (+9,3%) và sản phẩm nhựa (+8,4%). Các lĩnh vực phụ thuộc vào xuất khẩu chính có kết quả hoạt động khiêm tốn hơn, chẳng hạn như may mặc (+1,7%), giày dép (-1,4%) và máy tính, sản phẩm điện tử & quang học (giảm -0,3% so với -1,9% trong tháng 7). Tuy nhiên, sản lượng máy tính, điện tử & sản phẩm quang học tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ +9,4% trong tháng 8 (so với +12% trong tháng 7), dẫn đầu là thiết bị truyền thông (+11,7%). 

Samsung đã báo cáo doanh số lạc quan của các đơn đặt hàng trước Galaxy Flip 5 và Fold 5, điều này có thể chính là nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng. Sản xuất điện tử tiêu dùng trong tháng 8 ghi nhận tăng +21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 8 tháng đầu năm, con số này ghi nhận tăng +11,1% so vớinăm 2023. Điều này phản ánh sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc, giúp nâng cao năng lực sản xuất và đầu ra.

Xuất khẩu sụt giảm tháng thứ 6 liên tiếp nhưng đang trên đà chuyển biến tích cực

Xuất khẩu tháng 8 ghi nhận giảm -7,6% so với cùng kỳ. Đây là lần giảm thứ sáu liên tiếp, nhưng so với tháng trước lại tăng trưởng mạnh mẽ +7,7%. Cán cân thương mại tăng lên mức thặng dư 3,82 tỷ USD (so với 3,07 tỷ USD trong tháng 7), trong khi nhập khẩu giảm -8,3% so với một năm trước.

Tăng trưởng xuất khẩu hàng tháng trung bình tăng +4,9% trong ba tháng qua. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện ghi nhận giảm -14,6% so với một năm trước (những vẫn tăng +0,9% trong tháng 7), trong khi số lô hàng tăng khoảng +17% so với tháng trước mức cao nhất kể từ tháng 10/2022. Các sản phẩm chủ lực khác vẫn sụt giảm như dệt may (-17,8%), máy móc, thiết bị & dụng cụ (-17,9%), giày dép (-19,3%), gỗ & sản phẩm gỗ (-19,2%) và thủy sản (- 21%).

Dữ liệu sơ bộ chỉ ra rằng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm -7,5%, trong khi tháng 7 là tăng 16,1%. Con số này đã giảm trở lại sau ba tháng tăng trưởng liên tiếp. Các chuyến hàng đến Mỹ cũng giảm -7,5%, đây là mức giảm thấp nhất trong sáu tháng. Xuất khẩu sang EU giảm -5,4% (so với +2,4% trong tháng 7). 

Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 4.5% - 5% trong Quý 3 - Ảnh 2.

Xuất khẩu theo sản phẩm chính, nhập khẩu và cán cân thương mại so với cùng kỳ.

Doanh số bán lẻ trụ vững nhờ sự phục hồi của du lịch

Doanh số bán lẻ danh nghĩa trong tháng 8 tăng +7,6% trong khi tháng 7 là +7,1%, tăng +0,9% so với tháng trước. Lượng khách du lịch, dịch vụ du lịch tiếp tục phục hồi tăng +4,5% và dịch vụ lưu trú & ăn uống tăng +3,5% khiến doanh số bán hàng nhích lên +0,6%.

Lượng du khách nước ngoài đến trong tháng 8 tăng lên 1,22 triệu, tương ứng 80,5% so với mức trước đại dịch (tức là cùng kỳ năm 2019). Trong kỳ nghỉ hè, lượng khách đến từ Trung Quốc tháng 8 đã tăng +17,7% so với tháng trước, mặc dù vẫn chỉ ở mức 44% so với mức trước đại dịch. Du khách đến từ Hàn Quốc đã tăng hơn 1/3 so với tháng trước, đạt 96% mức trước đại dịch.

FDI tăng mạnh, giải ngân tăng 23%

FDI tiếp tục cải thiện trong tháng 8, với FDI giải ngân tăng +23,6% so với một năm trước, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. Trong 8 tháng đầu năm 2023, FDI giải ngân đã tăng +2,3% so với một năm trước, bất chấp mức tăng trưởng khá nhanh của năm ngoái. FDI từ Trung Quốc và Hồng Kông ghi nhận tăng +68% trong giai đoạn này.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 4.5% - 5% trong Quý 3

Với kết quả lạc quan về sản xuất công nghiệp, đầu tư công và doanh số bán lẻ trong Quý 2, các chuyên gia của Maybank cho rằng tăng trưởng GDP quý 3 (công bố vào ngày 29/9) có thể tăng lên khoảng 4,5%-5% (so với +4,1% trong quý 2). Nếu xu hướng tăng này thành hiện thực, dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Maybank có thể tăng nhẹ ở mức +4%. Các chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan về sự phục hồi xuất khẩu do nhu cầu điện tử toàn cầu đã ổn định hơn. Hơn nữa, ngày càng có nhiều hy vọng rằng  Hoa Kỳ (thị trường chiếm khoảng 30% xuất khẩu của Việt Nam) có thể sẽ vượt qua được suy thoái kinh tế sau những động thái mạnh mẽ.

Dự đoán NHNN sẽ hạ trần lãi suất huy động thêm 25 điểm cơ bản

Các chuyên gia vẫn vẫn duy trì dự đoán rằng NHNN sẽ hạ trần lãi suất huy động thêm 25 điểm cơ bản trước cuối năm (sau khi đã cắt giảm 125 điểm cơ bản tính từ đầu năm). Việc cắt giảm lãi suất huy động nhằm mục đích giảm chi phí vốn của các ngân hàng để lãi suất cho vay có thể giảm bớt hơn nữa nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng có nhiều khả năng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách thay vì cắt giảm thêm, do rủi ro về áp lực tỷ giá trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Ngoài ra, NHNN lo ngại việc phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ nới lỏng có thể dẫn đến nợ xấu cao hơn và mất ổn định hệ thống ngân hàng trong dài hạn.

N.Hải
Cùng chuyên mục