Đâu là động lực giúp GDP quý III tăng?

01/10/2020 06:36 GMT+7
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được xem là động lực tăng trưởng GDP quý vừa qua. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cũng có đóng góp quan trọng.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, kéo mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm là 2,12%. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới thì đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế”, bà Hương nói.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

Đâu là động lực giúp GDP quý III tăng? - Ảnh 1.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 9 tháng năm 2020 tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Việt Linh.

Đại diện Tổng cục Thống kê nhìn nhận ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng 9 tháng. Đây cũng là động lực tăng trưởng kinh tế với mức tăng 4,6%, đóng góp hơn 1 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Một số ngành dịch vụ thị trường khác đóng góp tích cực cho tăng trưởng là bán buôn và bán lẻ, tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,68%. Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội cũng tăng trưởng tích cực trong 9 tháng với mức tăng 2,63%.

Bên cạnh đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh, vẫn có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, thể hiện được vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Ngoài ra, giải ngân nguồn vốn đầu tư được coi là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bà Hương cho biết dịch Covid-19 làm cho nguồn vốn từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân bị sụt giảm. Trong bối cảnh đó, việc tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công chính là giải pháp kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Vốn đầu tư công tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm nên khi nguồn vốn này được giải phóng sẽ có vai trò như “vốn mồi” thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Qua đó, góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Tính chung 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng vốn đầu tư công ước tính đạt 327.900 tỷ đồng (chiếm 22,7% vốn đầu tư toàn xã hội), tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội được hưởng lợi khi tăng vốn đầu tư công cho nền kinh tế, đặc biệt là xây dựng (cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, dự án kinh tế), các ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ xây dựng (xi măng, sắt thép, gạch ngói, gốm sứ xây dựng) và các doanh nghiệp, người lao động có thêm thu nhập để đầu tư và tái sản xuất.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bà Nguyễn Thị Hương nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc GDP sẽ tiếp đà tăng trưởng khá trong quý IV và tăng trưởng cả năm đạt mức 2-3% là khả thi bởi kinh tế thế giới được dự báo sớm phục hồi và Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực.

Văn Hưng/ Zingnews
Cùng chuyên mục