Đề xuất tăng 700 tỷ nâng tầm dự án thu gom, xử lý nước thải và chống ngập TP.Quảng Ngãi
Chủ trương dự án cũ còn nhiều khiếm khuyết
Được biết dự án này (thu gom, xử lý nước thải TP.Quảng Ngãi), được HĐND tỉnh Quảng Ngãi quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 27/2019, với tổng mức đầu tư là khoảng 300 tỷ đồng, do BQL dự án các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chủ đầu tư nhận thấy, với quy mô và tổng mức đầu tư được duyệt (300 tỷ đồng), chỉ đảm bảo giải quyết thu gom xử lý nước thải cục bộ ở các cửa xả phía Nam, thoát ra sông Trà Khúc; chưa đảm bảo xử lý triệt để nước thải của toàn TP.Quảng Ngãi.
Điều đáng chú ý nữa đó là mục tiêu đầu tư của dự án (với vốn đầu tư 300 tỷ đồng), chưa bao gồm thoát nước mưa và chống ngập, trong khi hạ tầng thoát nước mưa và nước thải đang đi chung.
Từ các bất cập và khiếm khuyết nêu trên của dự án (đã được HĐND tỉnh Quảng Ngãi quyết định chủ trương đầu tư trước đó), UBND tỉnh thống nhất, trình HĐND tỉnh điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 1.000 tỷ đồng, cao hơn 700 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2024- 2027.
Điệp khúc mưa lớn "phố thành sông"
Được biết tình trạng yếu kém của hệ thống xử lý nước thải, chống ngập của TP.Quảng Ngãi, đã kéo dài suốt nhiều năm qua, dẫn đến mỗi khi mưa lớn "phố thành sông", gây bức xúc trong dư luận địa phương.
Và vấn đề này, từng "làm nóng" tại nhiều cuộc họp của tỉnh; được sở ngành chuyên môn liên quan nhìn nhận và mổ xẻ nguyên nhân.
Còn nhớ tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ngãi vào cuối năm 2021, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Công Hoàng (nay là Bí thư Huyện uỷ Sơn Tịnh), đã phân tích và chỉ rõ những khiếm khuyết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng "cứ mưa to là ngập" của TP.Quảng Ngãi.
Tại thời điểm trên, cùng với các yếu tố và nguyên nhân khách quan khác, vị đứng đầu ngành xây dựng Quảng Ngãi nói rõ, hệ thống thoát nước của nội thành Quảng Ngãi quá kém vì chưa được đầu tư, hoặc đầu tư chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt.
Nhiều hệ thống thoát nước được xây dựng trước năm 2000 có tiết diện đường kính cống nhỏ, hiện đã bị xuống cấp trầm trọng; nguồn lực đầu tư (công trình hạ tầng phục vụ thoát nước) hạn hẹp, chưa hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật..
Một nguyên nhân đáng chú ý khác đó là hậu quả của quá trình đầu tư, phát triển đô thị (trong đó có đầu tư xây dựng các khu dân cư, khu đô thị) ồ ạt trong thời gian gần đây đã sang lấp, làm giảm nhiều vùng trũng chứa nước tự nhiên; cao độ san nền các dự án lớn hơn cao độ hiện trạng trung bình từ (0,5 + l,0)m.
Để giải quyết vấn đề này, ông Hoàng cho rằng cần phải lập kế hoạch ưu tiên bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các tuyến thoát nước đối với các vị trí thường xuyên ngập, các tuyến trục tiêu thoát nước chính của nội thị; kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước của các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn.
Về lâu dài, cần có sự nghiên cứu đánh giá toàn diện, chuyên sâu của các chuyên gia, tổ chức tư vấn, các sở chuyên ngành và chính quyền đô thị về hiện trạng và các tác động ảnh hưởng đến việc thoát nước….