Dệt may Trung Quốc hưởng lợi lớn khi các nước khác vật lộn với đại dịch
Tại thành phố Triệu Khánh, trung tâm sản xuất của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; một CEO nhà máy sản xuất đồ lót cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài mới đây tiết lộ các đơn hàng đã quay trở lại từ tháng 8/2020 sau một thời gian “tắt tiếng” vì cuộc khủng hoảng đại dịch.
“Chúng tôi sắp nhận đơn đặt hàng 800.000 bộ nội y vào tháng tới cho thị trường EU. Chúng tôi sắp có một tháng bận rộn. Hiện chúng tôi đang tăng cường tuyển dụng công nhân để đáp ứng tiến độ đơn hàng” - vị CEO giấu tên cho hay.
Các thương hiệu nước ngoài đang nhắm đến Trung Quốc khi thị trường dệt may Ấn Độ alo đao vì dịch Covid-19. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, Ấn Độ hiện ghi nhận 7,3 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, 112.000 ca tử vong và là một trong ba ổ dịch lớn nhất thế giới bên cạnh Mỹ, Brazil. Ngành dệt may được xem là trụ cột kinh tế, nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Ấn Độ, đóng góp khoảng 15% doanh thu từ xuất khẩu và chiếm tới 2% trong tổng GDP quốc gia.
Gaurav Sharma, một chuyên gia cung ứng thời trang tại Hồng Kông nhận định việc đóng cửa kinh tế ở Ấn Độ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn hàng cho dịp Giáng Sinh và năm mới. Thông thường, những đơn hàng này cần được vận chuyển đến tay người mua vào tháng 11 để lên kệ vào tháng 12. “Vì vậy, khách hàng nhập khẩu đang chuyển các đơn hàng đó sang các quốc gia như Trung Quốc, nơi có sẵn nguồn nguyên liệu vải và nhân công dồi dào để đẩy nhanh tốc độ sản xuất”.
Thực tế, ngay từ giai đoạn đầu tiên Trung Quốc kiểm soát thành công dịch Covid-19, tức khoảng tháng 4/2020, ngành dệt may nước này đã chứng kiến mức tăng trưởng tháng hai con số nhờ nhu cầu khẩu trang tăng mạnh. Li Xinggan, Cục trưởng Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại nhận định trong một cuộc họp báo hôm 14/10 rằng nếu không tính kim ngạch xuất khẩu khẩu trang y tế, xuất khẩu hàng dệt may Trung Quốc sẽ lao dốc 2 con số trong năm nay.
Khi năng lực sản xuất phục hồi và các đơn đặt hàng quay trở lại, ngành công nghiệp dệt may Trung Quốc đang chứng kiến những dấu hiệu sáng sủa trong nửa cuối năm nay. Từ tháng 8/2020, nhu cầu hàng may mặc đã bắt đầu khởi sắc, mang đến cho các nhà máy Trung Quốc nhiều đơn hàng lớn.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo hầu hết xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang Trung Quốc chỉ là một sự điều chỉnh ngắn hạn. Trong dài hạn, người mua nước ngoài sẽ không ngừng tìm kiếm các nhà cung cấp bên ngoài thị trường Trung Quốc khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
“Ngay sau khi đại dịch dịu lại, khi các nhà máy tại Ấn Độ và các quốc gia khác phục hồi năng lực sản xuất, đơn đặt hàng sẽ nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc… Xét cho cùng, các công ty Trung Quốc thậm chí không còn lợi thế về chi phí sản xuất hàng may mặc trung và thấp cấp chứ chưa nói đến ưu đãi thuế quan” - Lisa Cai, một nhà sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Trung Quốc nhấn mạnh.