ĐHĐCĐ 2024: Gỗ An Cường (ACG) đặt mục tiêu "thận trọng", tiết lộ loạt vấn đề "nóng" ngành gỗ?

07/05/2024 17:23 GMT+7
CTCP Gỗ An Cường (HoSE: ACG) đã công bố nghị quyết họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, đặt mục tiêu doanh thu thuần 3.785,2 tỷ đồng, lãi sau thuế 440,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 0,6% và 0,8% so với năm 2022.

Chia sẻ về kế hoạch thận trọng này, Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường cho biết, ông đánh giá năm 2024, thị trường chỉ bắt đầu phục hồi và năm 2025 mới thực sự trở lại. Đại diện công ty cũng chia sẻ thêm, nếu tình hình quý II/2024 khả quan, Gỗ An Cường sẽ điều chỉnh kế hoạch năm.

ĐHĐCĐ 2024: Gỗ An Cường (ACG) đặt mục tiêu "thận trọng", tiết lộ loạt vấn đề "nóng" ngành gỗ?- Ảnh 1.

Trích ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Gỗ An Cường.

Gỗ An Cường dự kiến mức chi cổ tức năm 2024 tối thiểu là 15% bằng tiền mặt và/hoặc bằng cổ phiếu. Nguồn chi trả cổ tức trích từ thặng dư vốn và/hoặc lợi nhuận chưa phân phối trên Báo cáo Tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán.

Trong quý IV/2023, công ty đã chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1/2023 với tỷ lệ 7% mệnh giá cổ phần (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 700 đồng). Tổng tiền chi cổ tức đợt 1/2023 là 105,5 tỷ đồng.

Theo Đại hội, trong quý II/2024, Gỗ An Cường sẽ tiếp tục chi cổ tức đợt 2/2023 với tỷ lệ 8% mệnh giá cổ phần, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 800 đồng. Dự kiến, Gỗ An Cường cần chi 120,6 tỷ đồng để hoàn tất chi trả cho cổ đông.

Như vậy, nếu chi trả thành công cổ tức đợt 2/2023, Gỗ An Cường đã chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt.

Đánh giá về thị trường gỗ Việt Nam và thế giới năm 2024, ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT cho biết, thị trường cả trong và ngoài nước sẽ bắt đầu phục hồi trong năm nay. Đối với An Cường, doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 11. Theo đó, hoat động xuất khẩu của công ty sẽ rất tốt vì thị trường Mỹ đã phục hồi trở lại.

"Dự báo, tình hình xuất khẩu của công ty trong năm 2025 - 2026 sẽ còn tích cực hơn nữa", ông Nghĩa cho hay.

Chia sẻ tại Đại hội, ông Nghĩa cũng cho biết, hiện, các nhà máy của Gỗ An Cường cơ bản hoạt động với 70% công suất. Riêng nhà máy xuất khẩu hoạt động với hơn 110% công xuất.

Theo ông Nghĩa, nhà máy xuất khẩu đang hoạt động hết công suất và phải thuê đơn vị gia công bên ngoài. Vì trước Tết Nguyên đán 2024, khi An Cường tham dự triển lãm sản phẩm ở Mỹ và đã ký được nhiều hợp đồng với giá trị khoảng 20 triệu USD đối với các sản phẩm cửa, tủ bếp cho các dự án.

Trong khi đó, nhà máy cửa hiện đang vận hành 60% công suất, nhà máy ván sàn vận hành 40% công suất và nhà máy ván gỗ công nghiệp đang vận hành ở mức 65% công suất do nhu cầu nội địa chưa phục hồi.

"Nếu các nhà máy hoạt động 100% công suất thì doanh thu dự kiến là 6.000 tỷ đồng. Nhưng điều này không quan trọng bằng tỷ suất lợi nhuận. Bởi nếu doanh thu 6.000 tỷ mà mức lợi nhuận 2-3% sẽ khác với lợi nhuận 12-13%", đại diện Gỗ An cường chia sẻ.

Nếu trường hợp doanh thu 8.000 tỷ đồng - 9.000 tỷ đồng, Gỗ An Cường sẽ xem xét thuê gia công bên ngoài bởi vừa qua, doanh nghiệp đã sắp xếp dự phòng cho tình huống này. "Chúng tôi không muốn doanh thu vừa tăng mà đã phải đầu tư xây dựng, mua máy móc mở rộng, kéo theo các chi phí khấu hao. Chúng ta cần tối ưu hóa vận hành nhà máy để có lợi nhuận tốt", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Gỗ An Cường thực hiện 18% kế hoạch năm

Tại báo cáo tài chính quý I/2024, Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu thuần đạt 695 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. 

Ngoài chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ, các khoản chi phí trong kỳ của công ty đều giảm so với quý I/2023. Cụ thể, chi phí tài chính đạt 9,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng đạt 111 tỷ đồng, giảm lần lượt 40% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả, Gỗ An Cường báo lãi 81 tỷ đồng, tăng 2,25 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Gỗ An Cường ở mức 5.700 tỷ đồng, tăng 3% so với số đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 31 tỷ đồng, giảm 53%; chủ yếu do giảm trích lập lượng tiền. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Gỗ An Cường ghi nhận tăng từ 1.834 tỷ đồng lên 2.135 tỷ đồng tại cuối tháng 3/2024, tương đương tăng 16% so với đầu năm.

Đây là các khoản tiền gửi của Gỗ An Cường tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm, hưởng lãi suất từ 4,2% - 8,45%/năm. Ngoài ra, công ty cho biết đã dùng 343 tỷ đồng của các khoản đầu tư trên làm tài sản thế chấp cho các khoản vay với ngân hàng.

Tính đến ngày 31/3/2024,hàng tồn kho của Gỗ An Cường đạt 1.256 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu kỳ.

Đại diện Gỗ An Cường cho biết, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong quý I/2024 tăng 221,8% so với cùng kỳ là do Công ty đẩy mạnh các dòng hàng có biên lợi nhuận tốt.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tăng năng suất và tiết giảm chi phí. Hoạt đồng xuất khẩu được đẩy mạnh với tăng trưởng doanh thu đạt 33,8% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận tài chính trong quý cũng được cải thiện so với cùng kỳ. Công ty tích cực cắt giảm nhiều khoản mục chi phí bán hàng như: tiếp thị, quảng cáo, hàng mẫu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng giảm chi phí mở rộng hệ thống phân phối do việc mở rộng hệ thống phân phối đã cơ bản hoàn thành trong năm 2023.

Linh Anh
Cùng chuyên mục