ĐHĐCĐ 2025: ACB chốt kế hoạch cổ tức 25%, quý I/2025 tín dụng dự kiến tăng hơn 3%

PVKT
09/04/2025 15:20 GMT +7
Đại hội đồng cổ đông ACB thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tăng trưởng tín dụng 16% và ấn định tỷ lệ cổ tức hấp dẫn 25%, khẳng định triển vọng tích cực.

ĐHĐCĐ Ngân hàng ACB chốt mục tiêu lợi nhuận 23.000 tỷ, cổ tức 25%

Ngày 8/04/2025, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 thành công. Theo đó, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh và các nội dung quan trọng trong năm 2025 - năm bản lề của ACB trong chiến lược phát triển 5 năm giai đoạn 2025 - 2030.

Trên cơ sở mở rộng tăng trưởng quy mô gắn với nền tảng quản trị rủi ro và kiểm soát chất lượng tài sản, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 23.000 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 9,5% so với thực hiện 2024. Đồng thời thông qua kế hoạch chi cổ tức cho cổ đông tổng tỷ lệ 25% bao gồm 10% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu. Đây là năm thứ 5 liên tiếp ACB tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ tức cao, trong đó 3 năm liền thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.

Ngày 8/04/2025, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 thành công. Nguồn: ACB

Năm 2025 ACB tiếp tục kiên định với định hướng ngân hàng bán lẻ hàng đầu về quy mô và khả năng sinh lời, củng cố nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển giai đoạn 2025-2030. Các chỉ tiêu trọng yếu trong năm bao gồm mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 14%. Tổng huy động vốn bao gồm giấy tờ có giá dự kiến tăng 14%. Với chiến lược phát triển cân bằng, bên cạnh thế mạnh bán lẻ, ACB tập trung mảng khách hàng doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành và FDI với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 16%, tương đương với mức tăng trưởng của toàn hệ thống.

Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy nhìn nhận: ACB vừa kết thúc chiến lược 5 năm đã có bước chuyển mình tích cực với lợi nhuận tăng gấp 3 lần và đảm bảo chính sách cổ tức cao, hài hòa lợi ích cổ đông. Nhìn vào trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tài chính dự báo nhiều khó khăn từ cạnh tranh khách hàng giữa các ngân hàng, yêu cầu cao hơn về tuân thủ hoạt động. Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, ACB sẽ tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ mới nâng cao hiệu quả và kiểm soát rủi ro ngân hàng đồng thời chú trọng đến an toàn bảo mật cho khách hàng”.

Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy. Nguồn: ACB

Cũng theo chủ tịch ACB, việc đầu tư tập trung đẩy mạnh ở 3 khía cạnh bao gồm thế mạnh bán lẻ, mở rộng khai thác phân khúc khách hàng doanh nghiệp vàphát triển năng lực mới để thay đổi mô hình kinh doanh, phương thức hoạt động để phát triển bền vững cho ngân hàng.

Trả lời chất vấn cổ đông liên quan đến tác động diễn biến kinh tế tác động đến kế hoạch kinh doanh trong năm 2025, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết: Năm 2025 thị trường được dự báo có nhiều yếu tố tác động cơ hội và thách thức đan xen, mới nhất từ chính sách thuế quan của Mỹ tác động tỷ giá, đầu tư nước ngoài.

Mặc dù thách thức nhưng ACB vẫn sẽ kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra cho năm 2025. Theo ước quý I/2025, tín dụng dự kiến tăng hơn 3%, huy động tăng trên 2%. Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng trên hệ thống, tỷ lệ nợ xấu trong quý I/2025 của ACB vẫn giảm nhẹ ở mức 1,34%, qua đó giúp ngân hàng gia tăng hiệu quả hoạt động, kiểm soát rủi ro hiệu quả.

Song song với việc mở rộng tăng trưởng quy mô tín dụng và huy động, ngân hàng cũng sẽ triển khai nhiều chiến lược nhằm tập trung kiểm soát chất lượng tài sản; Thúc đẩy tăng trưởng phí, tập trung ở các mảng phí chủ lực như thẻ, thanh toán quốc tế,... Thêm vào đó, trong năm 2025 ACB sẽ tiếp tục đầu tư cho các công ty con nhằm đa dạng hóa sản phẩm tài chính cung cấp cho khách hàng và đóng góp vào thu nhập của tập đoàn; Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng số, thúc đẩy đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật số hiện đại, an toàn trong hoạt động giao dịch và vận hành.

ACB tăng trưởng nhờ chiến lược linh hoạt, nhanh nhạy trước biến động thị trường

Với lợi nhuận trước thuế đạt được trong năm 2024 đạt 21.006 tỷ đồng, ACB là một trong 7 ngân hàng có lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng và trong top 3 ngân hàng TMCP tư nhân có lợi nhuận cao nhất. Kết quả này đã phản ánh được chiến lược linh hoạt, nhanh nhạy với diễn biến của thị trường nhằm đảm bảo tăng trưởng; sự am hiểu nhu cầu khách hàng đến phát triển năng lực bán.

Kết quả kinh doanh năm 2024 đã đưa ACB hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2019-2024, trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam về quy mô và lợi nhuận với lợi nhuận trước thuế tăng gần 3 lần trong 5 năm và ROE liên tục duy trì ở mức cao trên 20%.

Năm 2024, ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng ở tất cả các mảng, đặc biệt mảng KHDN ghi nhận mức tăng mạnh mẽ nhờ phân khúc khách hàng lớn, khách hàng FDI. Năm 2024 tín dụng mảng khách hàng doanh nghiệp tăng cao nhất trong gần một thập kỷ. Trong đó, quy mô tín dụng cho nhóm khách hàng FDI của ACB tăng gấp 2,5 lần so với năm 2023, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho hàng nghìn doanh nghiệp FDI đến từ nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ.

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản ACB đạt 864 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so cuối năm 2023, và vượt 7% kế hoạch. Với quy mô dư nợ cho vay khách hàng đạt 581 nghìn tỷ, tín dụng ACB đạt tăng trưởng ấn tượng 19,1%, vượt xa mức tăng trưởng của bình quân ngành, đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng trong vòng một thập kỷ. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5%, thấp hơn mức mục tiêu đặt ra dưới 2%. Đồng thời duy trì ROE trên 20%, thuộc nhóm dẫn đầu ngành.

Tỷ lệ CASA của ACB đã tăng từ 22,9% năm 2023 lên 23,3% vào cuối năm 2024, thể hiện sự gia tăng bền vững của nguồn vốn chi phí thấp.

ACB cũng luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II cao hơn mức quy định tối thiểu, đạt xấp xỉ 12%.