"Điểm danh" các doanh nghiệp bất động sản "dính" phạt của Ủy ban Chứng khoán
Trong đó, điểm tên một số doanh nghiệp bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt cùng mức 92,5 triệu đồng do không công bố thông tin đúng thời hạn như CTCP Osaka Garden, CTCP Bách Hưng Vương, CTCP Đầu Tư và Phát triển Phú Châu, CTCP Tân Thành Long An, CTCP Hoa Phú Thịnh...
CTCP Osaka Garden
Theo quyết định của UBCKNN, CTCP Osaka Garden đã không gửi nội dung công bố thông tin định kỳ với các tài liệu Báo cáo tài chính bán niên 2023, Báo cáo tài chính năm 2022, Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện bán niên 2023,...
Thông tin công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong năm 2021, Osaka Garden đã từng huy động 7.700 tỷ đồng thông qua phát hành 2 mã trái phiếu OSGCB2122001 (trị giá 3.400 tỷ đồng) và OSGCB2123002 (trị giá 4.300 tỷ đồng). Thống kê tại Cbonds.hnx ngày 4/4 cho thấy, Osaka Garden đã tất toán cả 2 lô trái phiếu trên.
Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ giám sát, thanh tra thị trường trái phiếu trong năm 2021 và quý I/2022, Bộ Tài chính từng "nhắc" tên Osaka Garden trong danh mục chủ đầu tư phát hành trái phiếu cao vượt trội so với vốn chủ sở hữu. Bộ Tài chính xác định, Osaka Garden là doanh nghiệp xếp thứ 3 trong danh sách những doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường.
Đáng chú ý là dù đã tất toán hết cả 2 lô trái phiếu nhưng Osaka Garden mới chỉ có 1 lần công bố thông tin kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của mã trái phiếu OSGCB2122001 đăng ngày 17/8/2022 tại Cbonds.hnx. Còn lại, phần báo cáo kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của mã OSGCB2123002 và phần công bố thông tin định kỳ/bất thường đều không có thông tin.
Theo danh sách doanh nghiệp trên cổng thông tin Cbonds.hnx tại ngày thống kê là 4/4/2024, CTCP Osaka Garden có vốn điều lệ 270 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có 2 người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Văn Út Hiền và ông Nguyễn Hữu Cử. Đáng chú ý, nếu so với tổng khối lượng trái phiếu từng phát hành là 7.700 tỷ đồng thì khối lượng trái phiếu đã phát hành của Osaka Garden cao gấp 28,5 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Bách Hưng Vương
Tương tự như Osaka Garden, CTCP Bách Hưng Vương cũng bị UBCKNN xử phạt do không gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho HNX với các tài liệu Báo cáo tài chính năm 2022, Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện năm 2022,...
Theo thông tin công bố tại thời điểm phát hành trên Cbonds.hnx, ngày 17/12/2021, Bách Hưng Vương đã phát hành lô trái phiếu BHVCB2122001 gồm 29,8 triệu trái phiếu, mệnh giá mỗi trái phiếu là 100.000 đồng, tương ứng giá trị phát hành là 2.980 tỷ đồng. Trái phiếu BHVCB2122001 được lưu ký tại CTCP Chứng khoán Kỹ Thương với lãi suất phát hành là 10%/năm.
Cập nhật đến ngày 4/4, Bách Hưng Vương đã mua lại toàn bộ trái phiếu trước hạn của mã BHVCB2122001, đưa dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp về 0 đồng. Tuy nhiên, cũng giống như Osaka Garden, Bách Hưng Vương cũng không công bố bất kỳ thông tin nào, ngay cả kết quả mua lại trái phiếu trước hạn.
Thông tin cập nhật trên Cbonds.hnx ngày 4/4 cho thấy, CTCP Bách Hưng Vương có trụ sở đặt tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Vốn điều lệ của doanh nghiệp là 200 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của Bách Hưng Vương là bà Đinh Thị Ngọc Thanh.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Châu
CTCP Đầu tư và Phát triển Phú Châu (gọi tắt là công ty Phú Châu) cũng là doanh nghiệp bị UBCKNN xử phạt khi không công bố thông tin liên quan đến Báo cáo tài chính năm 2022, Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện năm 2022,...
Thông tin công bố tại Cbonds.hnx cho thấy, Công ty Phú Châu đã phát hành lô trái phiếu PV-2019.6 với tổng khối lượng là 8 triệu trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng hồi cuối năm 2019. Tổng giá trị trái phiếu tại thời điểm phát hành là 800 tỷ đồng. Trái phiếu PV-2019.6 có lãi suất phát hành là 11,5% và được lưu ký tại CTCP Chứng khoán Tân Việt.
Thông tin tại Cbonds.hnx cho thấy, công ty Phú Châu có 2 lần công bố thông tin định kỳ bao gồm: Báo cáo tình hình thanh toán gốc lãi năm 2022 và Báo cáo tình hình thanh toán gốc lãi năm 2020.
Theo báo cáo tình hình thanh toán gốc lãi năm 2022, trong thời gian từ ngày 14/6/2022 đến ngày 6/9/2022, công ty Phú Châu đã thực hiện 5 giao dịch thanh toán gốc trái phiếu. Cụ thể: thanh toán 163,3 tỷ đồng (14/6/2022), 373 tỷ đồng (20/6/2022), 100 tỷ đồng (5/8/2023) 105 tỷ đồng (31/8/2022) và 58,6 tỷ đồng (6/9/2022).
Cập nhật thông tin tại Cbonds.hnx ngày 4/4, CTCP Đầu tư và Phát triển Phú Châu có vốn điều lệ 578,5 tỷ đồng. Trụ sở doanh nghiệp đặt tại quận 1, TP. Thái Bình và người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Nguyễn Bảo Châu. Bên cạnh đó, công ty Phú Châu không còn trái phiếu nào đang lưu hành.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp, tính đến ngày 1/3/2024, có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 1.165 tỷ đồng trong tháng 2/2024. Tiếp tục tình trạng phát hành ảm đạm trong tháng 1, giá trị phát hành trong tháng 2 vẫn ở mức rất thấp so với mặt bằng năm 2023 khi một số điều trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực trở lại và thắt chặt hơn quy định về phát hành TPDN, ví dụ như tiêu chí xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm.
Trong tháng 2/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 2.056 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 10 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 255.732 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 98.127 tỷ đồng, tương đương 38.4%. Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 6.213 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 24 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.