DN cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, cần phê phán nhưng đừng đánh hội đồng, chuộc lợi

14/07/2020 19:33 GMT+7
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn cho rằng, trong cộng đồng doanh nghiệp cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, cần phê phán nhưng khi phê phán cũng cần có chữ tình, đừng đánh hội đồng, đừng chuộc lợi.

Chiều 14/7, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức Chương trình: Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2020: Cơ hội hợp tác phát triển từ "khủng hoảng Covid-19" và Lễ phát động Chương trình Bình chọn tác phẩm báo chí viết về "doanh nhân – doanh nghiệp và môi trường kinh doanh" lần thứ VIII.

DN cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, cần phê phán nhưng đừng đánh hội đồng, chuộc lợi - Ảnh 1.

Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2020: Cơ hội hợp tác phát triển từ "khủng hoảng Covid-19" và Lễ phát động Chương trình Bình chọn tác phẩm báo chí viết về "doanh nhân – doanh nghiệp và môi trường kinh doanh" lần thứ VIII.

Báo chí - "ngọn hải đăng" đồng hành cùng doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 với đầy rẫy những thông tin đa chiều, nhiều thông tin xấu độc gây hoang mang dự luận, thì những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa.

Báo chí đã tạo được sự chia sẻ đồng lòng trong cộng đồng để thực sự phát động được phong trào toàn dân chống dịch như chống giặc. Chính điều này đã tạo thành công cho Việt Nam trong công tác chống dịch Covid-19.

Bên cạnh thành công về chống dịch, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, cần từng bước mở cửa thị trường. "Dù hết sức cẩn trọng nhưng chúng ta cũng không thể chậm chân, là người đi trước trong chiến thắng dịch bệnh lại là người đi sau trong phát triển kinh tế", TS Vũ Tiến Lộc nói.

DN cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, cần phê phán nhưng đừng đánh hội đồng, chuộc lợi - Ảnh 2.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Dù dịch bệnh đã được đẩy lùi ở Việt Nam nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao, do đó, phục hồi doanh nghiệp và xây dựng gói hỗ trợ lần thứ hai cần được đẩy mạnh. Các nỗ lực cắt giảm thủ tục, thúc đẩy cải cách thể chế là yêu cầu tiên quyết. Vì vậy, TS Vũ Tiến Lộc, tin tưởng báo chí tiếp tục là "ngọn hải đăng" tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và mong muốn báo chí góp phần vào cải cách môi trường kinh doanh.

"Để phát triển doanh nghiệp, bên cạnh giữ vững kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường thì cần từng bước cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là biện pháp quan trọng nhất. Báo chí đang góp phần mạnh mẽ vào quá trình này", Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, báo chí cần đưa tin đa chiều, không chỉ dựa vào một nguồn tin một chiều, mà cần thêm những ý kiến các bên, từ các chuyên gia. Thông tin chính xác hay không là vấn đề sinh tử với doanh nghiệp. Nguồn tin hay sẽ có thể giúp hồi sinh một doanh nghiệp, nhưng một tin dở có thể đẩy doanh nghiệp vào vực thẳm.

Trong thời gian khủng hoảng và nhạy cảm hiện nay thì số phận của nhiều doanh nghiệp đang rất mong manh, rất cần sự bao dung chia sẻ của dư luận, sự thấu hiểu, công tâm của các nhà báo chân chính.

Cùng với đó, chúng ta đang trong bối cảnh hội nhập, chúng ta không chỉ tuân thủ cam kết mà phải biết vận dụng những không gian thích hợp. Do đó, khi đưa tin về những vụ việc của doanh nghiệp liên quan thị trường quốc tế, cần lưu ý bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ đất nước vì doanh nghiệp là tài sản quốc gia.

"Đừng vô tình khi viết về doanh nghiệp dù chỉ là doanh nghiệp nhỏ vì sau đó là công ăn việc làm của người lao động, là sinh kế của các gia đình, là nguồn thu ngân sách và là chủ quyền kinh tế quốc gia", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn cho rằng, trong cộng đồng doanh nghiệp cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh", cần phê phán nhưng khi phê phán cũng cần có chữ tình, đừng đánh hội đồng, đừng chuộc lợi.

Nêu quan điểm tại diễn đàn, ông Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng ban Ban Tuyên Giáo Trung Ương cho rằng, báo chí và doanh nghiệp hoạt động có đặc thù nhưng luôn là những người bạn đồng hành.

Trong quá trình phát triển có doanh nghiệp gặp khó khăn, có doanh nghiệp chưa đi đúng pháp luật của Nhà nước trong kinh doanh nếu báo chí nâng đỡ chia sẻ, chỉ ra sai sót với tấm lòng chân thành, xây dựng, góp ý thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ trưởng thành và khắc phục, hạn chế những sai sót. Nếu thấy những sai sót và chỉ định không thẳng thắn, không chia sẻ thì doanh nghiệp sẽ đổ vỡ, dẫn theo nhiều hệ lụy.

Còn với vai trò Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp hãy mở lòng hơn với báo chí. "Có thể lúc này, lúc kia có những nhà báo đã từng gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nhưng trên tổng thể, hầu hết người làm báo rất lành mạnh, tử tế, lấy mục đích phục vụ đất nước, nhân dân là chính. Số nhà báo tiêu cực rất ít, nếu có đều đã xử lý; nếu phát hiện, tiếp tục xử lý theo pháp luật, theo quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo" - ông bày tỏ và tin tưởng rằng, số đông người làm báo tử tế không bao giờ làm khó doanh nghiệp mà sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

DN cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, cần phê phán nhưng đừng đánh hội đồng, chuộc lợi - Ảnh 3.

Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho rằng, báo chí không được làm tổn thất doanh nghiệp chân chính và không để doanh nghiệp bất chính hành hoành.

"Nhiều doanh nghiệp sợ và muốn né tránh báo chí. Nhưng nhiều doanh nghiệp lại không sợ và không muốn tiếp xúc với báo chí. Bằng thực tế nhiều năm làm báo, tôi thấy rằng các thương hiệu chân chính không bao giờ sợ báo chí", ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Nhưng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, những doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp lợi dụng kẻ hỡ của pháp luật để làm ăn bất chính thì rất sợ báo chí.

Báo chí có sức mạnh rất lớn

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam chia sẻ rằng, doanh nghiệp hiểu rõ báo chí là quyền lực thứ 4 cung cấp món ăn tinh thần cho xã hội. Đây là nhu cầu tất yếu của xã hội và người đọc yêu cầu món ăn tinh thần đó phải ngày một ngon hơn, đa dạng hơn với nhiều thể loại khác nhau, có những bài chính luận, phản biện và cũng cần có những bài giới thiệu điển hình hay đấu tranh tiêu cực.

"Với doanh nghiệp chúng tôi mong sự đồng hành với báo chí. Trong ngành xây dựng và bất động sản, chúng tôi hiện vướng nhiều cơ chế luật pháp, tiếng nói của chúng tôi đến được Chính phủ, Quốc hội chỉ có thể qua báo chí. Đây là điều chúng tôi hy vọng nhiều nhất ở báo chí và coi đây là cầu nối hữu hiệu, chắc chắn. Với những doanh nghiệp chân chính, làm đúng, làm tốt cho xã hội, chúng tôi mong muốn báo chí giới thiệu tới nhiều độc giả hơn nữa" - ông nhấn mạnh.

DN cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, cần phê phán nhưng đừng đánh hội đồng, chuộc lợi - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam

Ông Hiệp cho biết, trên thực tế, báo chí có sức mạnh rất lớn. Lấy ví dụ một doanh nghiệp trong ngành xây dựng là Coteccons, năm ngoái giá cổ phiếu CTD ở mức 250.000/cp nằm trong top 40 doanh nghiệp thị phần lớn nhất. Chỉ trong vài tháng, ngoài mâu thuẫn nội bộ, tác động của báo chí đã khiến giá cổ phiếu CTD giảm 75% xuống còn 65.000 đồng/cp và rơi khỏi top 40.

"Hay như năm 2012, khi làm chủ đầu tư dự án Nam Đô, chúng tôi có sơ suất thi công bể nước bị 83 báo phản ánh khiến dự án lao đao. Tuy nhiên cuối cùng, chúng tôi được minh oan" - ông Hiệp dẫn dụ thêm.

Cũng tại Diễn đàn này, ông Hiệp nhìn nhận, trong 26.000 nhà báo, có thể phần đa là nhà báo chân chính. Tuy nhiên có 1 số nhà báo như "con sâu bỏ rầu nồi canh". Chưa biết dự án đúng hay sai nhưng qua một số bài báo có thể ảnh hưởng lớn tới dự án khi các cơ quan quản lý vào cuộc thanh tra, kiểm tra, làm mất thời cơ của doanh nghiệp, gây tổn thất lớn với doanh nghiệp.

"Báo chí là "cô gái đẹp", nhưng làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận thoải mái hơn. Trong công việc không thể tránh khỏi những sơ suất nên chúng tôi mong muốn báo chí công tâm, khách quan tìm hiểu, nghe thông tin từ nhiều chiều xem doanh nghiệp làm sai hay do sơ suất. Nếu sơ suất, báo chí hãy góp ý cho doanh nghiệp khắc phục. Đó là mặt rất tích cực của báo chí.

Chúng tôi mong muốn giữa báo chí và doanh nghiệp đồng cảm. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản liên quan nhiều đến chính sách, pháp luật, nên không tránh khỏi những sơ suất. Do đó, chúng tôi mong báo chí đồng hành, đồng cảm, có như vậy báo chí và doanh nghiệp sẽ cùng làm cho xã hội tốt hơn", ông Hiệp bày tỏ.

Trong khuôn khổ chương trình, Lễ phát động Chương trình Bình chọn tác phẩm Báo chí viết về Doanh nhân – Doanh nghiệp và Môi trường Kinh doanh lần thứ VIII - năm 2020 cũng đã được diễn ra. 

Huyền Anh
Cùng chuyên mục