Doanh nghiệp ngành mía đường cần hỗ trợ để cạnh tranh bình đẳng
Để vượt qua khó khăn kép do Covid-19 và ảnh hưởng của việc thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), doanh nghiệp ngành mía đường rất cần các biện pháp hỗ trợ cạnh tranh công bằng.
“Cú đấm kép” từ Covid-19 và ATIGA
Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát và Việt Nam chính thức xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường từ khu vực ASEAN từ ngày 1/1/2020, đường nhập khẩu từ Thái Lan đã tăng vọt, đẩy ngành mía đường Việt Nam vào cảnh lao đao.
Chia sẻ câu chuyện của ngành mía đường, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, ảnh hưởng của Covid-19, thời gian qua, lệnh giãn cách xã hội đã buộc trường học tạm thời đóng cửa, nhiều lễ hội phải hủy, khiến nhu cầu tiêu dùng nói chung và tiêu dùng mặt hàng đường nói riêng giảm sút.
Bên cạnh đó là làn sóng cạnh tranh không công bằng giữa đường nội và đường nhập khẩu từ Thái Lan kể từ ngày 1/1/2020 khi ATIGA chính thức có hiệu lực. Lượng đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan tăng chóng mặt đã và đang đẩy hàng loạt nhà máy đường tại Việt Nam phải đóng cửa, vì không thể cạnh tranh về giá thành sản xuất. Nếu như năm 2017, ngành mía đường có 300.000 ha với khoảng 41 nhà máy, thì đầu vụ 2019 - 2020 chỉ còn 170.000 ha và 28 nhà máy hoạt động.
Ngoài ra, theo ông Lộc, thị trường ngành mía đường bị thu hẹp và cạnh tranh quyết liệt, không sòng phẳng. Bắt đầu từ tháng 1/2020, Việt Nam thực thi cam kết ATIGA, đường được tự do nhập khẩu từ các nước ASEAN, giá đường của các nước nhập khẩu vào rất thấp. Có nhiều nước đang áp dụng các biện pháp can thiệp. Có nước trong 3 năm gần đây tài trợ 145 USD cho 1 tấn đường.
Do đó, đường sản xuất từ mía trong nước không cạnh tranh được về giá với đường nhập khẩu (theo ATIGA) và đường nhập lậu từ Thái Lan, với giá đường nhập chính ngạch và đường nhập lậu trên thị trường thấp hơn đường sản xuất trong nước và giảm so với tháng trước, hiện ở mức khoảng 12.200 đồng/kg tại TP.HCM và 12.000 - 12.100 đồng/kg tại Hà Nội và miền Trung.
Đại diện doanh nghiệp, ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS) thừa nhận: “Dù giá bán đường của nhiều nhà máy đã giảm xuống ngang bằng giá thành sản xuất, nhưng lượng tồn kho vẫn rất lớn. Doanh nghiệp ngành mía đường đang gặp rất nhiều khó khăn”.
Cần hỗ trợ để cạnh tranh công bằng
Tại tọa đàm “Tìm giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới” vừa diễn ra, ông Phạm Hồng Dương, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) cho biết, với ATIGA, chính phủ một số nước trong ASEAN đã trợ giá mặt hàng đường cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất mía đường, dẫn đến cuộc chơi không công bằng.
“Chính phủ Thái Lan trợ cấp ngành đường bằng nhiều hình thức để đẩy mạnh xuất khẩu. Chính vì thế, đường Thái Lan nhập khẩu có giá rẻ đã đẩy hàng loạt nhà máy đường tại Việt Nam vào cảnh khó khăn, buộc phải đóng cửa. Nhiều nông dân phải từ bỏ cây mía, khi nhà máy đường không thể chi trả giá thu mua đủ để trang trải và duy trì nghề trồng mía”, đại diện TTC Sugar nói.
Là một doanh nghiệp lớn trong ngành, tuy đã có kế hoạch chuẩn bị trước cạnh tranh từ sớm như phát triển dòng sản phẩm mới đường organic, đầu tư nhà máy chế biến hiện đại, đặc biệt là mở rộng chuỗi giá trị theo hướng khai thác 5 sản phẩm cạnh đường - sau đường bao gồm nước uống tinh khiết chiết xuất từ hương mía Miaqua, bã mía, điện sinh khối, mật rỉ và phân vi sinh… Đầu năm 2019, TTC Sugar đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh theo chuẩn Organic với công suất 50.000 tấn/năm tại Tây Ninh. Nhưng theo ông Dương, doanh nghiệp vẫn chịu tác động lớn từ sự cạnh tranh không công bằng.
Muốn ngành mía đường vượt qua khó khăn, theo ông Dương, phía cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, như biện pháp phòng vệ hay chống phá giá, để chặn đứng nguồn đường giá rẻ tràn vào Việt Nam. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động giảm bớt khó khăn bằng cách phối hợp, hợp tác chiến lược với các đối tác logistics chuyên nghiệp để tối ưu hóa hoạt động phân phối, đưa các sản phẩm đường chất lượng cao đến người tiêu dùng với giá tốt nhất…
Đồng quan điểm, ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Sơn La cho hay, giá đường Việt Nam đang cao hơn Thái Lan do ngành mía đường Việt Nam phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng của đường Thái Lan dưới nhiều hình thức như trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình. Do đó, Nhà nước cần đưa ra các biện pháp mạnh hơn nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước, đồng thời bảo vệ nguồn sinh kế của hơn 350.000 hộ nông dân.
Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá, hội nhập là điều tất yếu. Hiện nay, các doanh nghiệp mía đường Việt Nam đều thống nhất với chủ trương của Chính phủ về thực thi cam kết ATIGA, xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường từ ngày 1/1/2020. Song mấu chốt là các doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ ngành đường vượt qua khó khăn do Covid-19 và tác động của việc thực thi ATIGA, đồng thời tích cực ngăn chặn đường nhập lậu...
“Hiệp hội Mía đường Việt Nam tự tin rằng, năng lực của ngành mía đường sẽ đủ sức cạnh tranh nếu được đưa về điều kiện ngang bằng với các nước”, ông Lộc nhấn mạnh.
Được hỏi về giải pháp hỗ trợ ngành đường vượt qua khó khăn, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp như theo dõi, đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế đối với mặt hàng đường nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng đường và các sản phẩm từ đường tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ…
Theo thống kê của Hải quan, kể từ khi thực hiện Hiệp định ATIGA, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu gần 820.000 tấn, tăng gấp gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2019.