Doanh nghiệp Việt chinh phục thế giới: Thành công đến từ "dám chơi, chịu chơi"!
Ngày càng khẳng định vị thế…
Theo Tổ chức định giá thương hiệu quốc gia Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022, đồng thời Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% giai đoạn 2019-2022).
Đáng chú ý, trong bảng đánh giá Top 100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Brand Finand, thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên của bảng xếp hạng và có mức tăng hạng đều qua các năm.
Bên cạnh sự phát triển của thương hiệu quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh. Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước có mức tăng trưởng 36%, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Cụ thể, năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50 (chiếm tỷ trọng 28%) thì sau 5 năm đã tăng lên 21 doanh nghiệp (chiếm tỷ trọng 42%).
Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022.
Nỗ lực vươn ra biển lớn, thành công chinh phục thị trường thế giới, ngay cả những thị trường khó tính của hàng hóa, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam chính là một trong những "chìa khóa" để Việt Nam có được những kết quả đáng khích lệ đến vậy. Biểu hiện, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 vượt trên 732 tỷ USD – con số kỷ lục, tăng 10% so với năm 2021. Đặc biệt hơn, Việt Nam có mức xuất siêu vượt 11 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm qua đã đạt những con số thực sự ấn tượng: thu về hơn 372 tỷ USD, xuất siêu gấp hơn 3 lần so với 2021. Điều này cho thấy, hàng hóa Việt, thương hiệu Việt ngày càng khẳng định vị thế trong bản đồ của nền sản xuất, thương mại thế giới.
Nhìn ở góc độ vi mô, nếu như VinFast là doanh nghiệp Việt Nam được ghi danh trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô thế giới, niềm tự hào và bản lĩnh của doanh nghiệp Việt Nam còn được thế giới ghi nhận khi "ông lớn" Viettel xuất khẩu thiết bị 5G được ví như "vũ khí công nghệ" ra thế giới. FPT, CMC đi làm công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các nước đã phát triển như Nhật, Mỹ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thương hiệu gạo của Việt Nam "lừng lẫy" tại nhiều quốc gia, lên kệ tại nhiều hệ thống siêu thị bán lẻ hàng đầu. Gạo ST25 đã trở thành bữa trưa đặc biệt tại Văn phòng Nội các Nhật Bản và được xuất khẩu sang Anh.
Hay như Vinamilk - Thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới và liên tục thăng hạng thương hiệu trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, còn rất nhiều tên tuổi khác đang "ăn sâu, bám rễ" trong thị hiếu của người tiêu dùng nước bạn như Masan, Vĩnh Hoàn,…
Bắt tay với thế giới, khiến thế giới hiểu mình
TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phải thừa nhận, hình ảnh của Việt Nam (sản phẩm, doanh nghiệp, doanh nhân Việt) đã có những bước tiến rất rõ rệt và tích cực trong suốt quá trình cải cách và đổi mới, mặc dù không ít khó khăn thăng trầm: "Chúng ta bắt tay với thế giới khiến thế giới hiểu mình, từ đó tạo nên sức hấp dẫn và phần nào đó đi vào chinh phục thế giới. Những điều này đều gắn với câu chuyện về đổi mới, với bước ngoặt từ sự thay đổi tư duy phát triển, đặc biệt là trong những năm đổi mới từ nền kinh tế khép kín sang mở cửa, sang kế hoạch hóa và sang kinh tế thị trường, gắn với phát triển bền vững, bao trùm".
Vị chuyên gia kinh tế này cũng chỉ rõ: Chính trong quá trình ấy đổi mới, cải cách đã làm "bộc" lên khát vọng Việt, tinh thần Việt và năng lực học hỏi của con người Việt. Những câu chuyện chinh phục thế giới và thành công bước đầu như những câu chuyện của các doanh nghiệp, doanh nhân nêu trên là minh chứng rõ nhất.
Việt Nam không chỉ là vùng "đất mẹ" của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đứng Top đầu các nước xuất khẩu. Mà nay, theo TS Võ Trí Thành, thế giới còn đang nhìn nhận năng lực của Việt Nam có thể nổi trội, trở thành "một cái hốc" gắn với các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, lan tỏa, kết nối với rất nhiều quốc gia trên thế giới, với rất nhiều những đại gia, doanh nghiệp lớn của thế giới trong các chuỗi giá trị.
"Cùng với sản phẩm, doanh nghiệp và con người thì hình ảnh đất nước Việt Nam "nay đã khác", trở thành một trong những quốc gia nếu nỗ lực cải cách tốt sẽ là điển hình, minh chứng về sự phát triển và sự lớn lên không chỉ của nền kinh tế mà đằng sau chính là các doanh nghiệp" - TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Thế nhưng, nói như thế không có nghĩa là hài lòng với những gì đã đạt được. Theo nguyên Phó viện trưởng CIEM, con đường vươn ra biển lớn để có thể thành công và được thế giới nhìn nhận của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ông cho rằng, điều đó cũng không thể làm cho chúng ta "lùi bước", bởi chúng ta hiểu rằng mở cửa hội nhập mới có thể phát triển, mới có thể đi cùng thời đại.
Tất nhiên, mở cửa hội nhập bên cạnh không gian chơi rộng lớn hơn, có điều kiện để học hỏi vươn lên tốt hơn, doanh nghiệp, doanh nhân Việt cũng chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn và cũng có nhiều rủi ro hơn, thậm chí là những rủi ro lớn từ các cú sốc từ bên ngoài.
"Một là chúng ta phát triển theo kiểu chậm chạp nhưng ít rủi ro hay chấp nhận rủi ro để có cơ hội kịp đi cùng với thời đại, phát triển nhanh. Chúng ta đã lựa chọn, vì vậy dù trong hoàn cảnh khó khăn chúng ta vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Khi đó, điều quan trọng vẫn là nỗ lực cải cách, mở cửa mạnh mẽ nhưng khéo léo và gắn liền với đó là duy trì ổn định, khả năng chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt có thể đề ra các kịch bản để hóa giải các rủi ro" - ông Thành nói.
Về phía doanh nghiệp, doanh nhân Việt, theo TS Võ Trí Thành, để có thể thành công khi ra nhập sân chơi chung của thế giới và được thế giới thay đổi cách nhìn, đầu tiên phải nói đến chính là ý chí, khát vọng và "dám chơi". Gắn với đó là quá trình nỗ lực học hỏi, kết nối và phải chấp nhận cạnh tranh.
Còn như lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chinh phục thị trường nước ngoài là sứ mệnh giúp Việt Nam hóa rồng, hóa hổ, trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Và đây là cách để chúng ta trở nên xuất sắc. Đi ra nước ngoài cũng là để bảo vệ Việt Nam.
"Tốc độ tăng giá trị thương hiệu của Việt Nam khá nhanh so với nhiều nước trong khu vực. Cho đến nay, giá trị thương hiệu Việt gần bằng với GDP của Việt Nam (trên 400 tỷ USD). Điều này cho thấy, sản phẩm, doanh nghiệp và đằng sau là con người và văn hóa Việt đã có những thay đổi về chất so với nhiều năm trước đây".
TS. Võ Trí Thành