Doanh thu tăng nghìn tỷ, casino giữa lằn ranh nhạy cảm

08/09/2020 06:28 GMT+7
Casino vẫn được coi là lĩnh vực kinh doanh “nhạy cảm” ở Việt Nam. Vì thế, các quy định cho hoạt động này dù có “nới” hơn so với hàng chục năm trước nhưng vẫn còn rất ngặt nghèo.

Doanh thu tăng mạnh, casino vẫn thua lỗ

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về việc sửa đổi, một số điều của Nghị định 03/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh casino. Trước khi Nghị định 03 có hiệu lực, cả nước có 8 casino được cấp phép trong đó 7 dự án đang triển khai hoạt động. Sau khi có Nghị định 03, đã có 3 dự án khu dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư kinh doanh casino và được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (casino Laguna Lăng Cô - Thừa Thiên Huế, casino Phú Quốc và casino Cam Ranh).

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy doanh thu và đóng góp vào ngân sách từ kinh doanh casino tăng mạnh.

Năm 2017, doanh thu từ hoạt động kinh doanh casino của 8 doanh nghiệp đạt hơn 1.190 tỷ đồng, nộp ngân sách 645 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu từ casino đạt 1.560 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước; nộp ngân sách nhà nước đạt gần 900 tỷ đồng, tăng 39% so với năm trước. Năm 2019, doanh thu từ casino đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước; nộp ngân sách nhà nước đạt 1.340 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước.

Doanh thu tăng nghìn tỷ, casino giữa lằn ranh nhạy cảm - Ảnh 1.

Các quy định liên quan đến kinh doanh casino dù "nới" hơn song vẫn rất "chặt chẽ".

Dù doanh thu và nộp ngân sách tăng mạnh trong một vài năm gần đây, tuy nhiên nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ casino vẫn thua lỗ nặng. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của Công ty cổ phần quốc tế Hoàng Gia, đơn vị vận hành The Royal casino Hạ Long (casino Hoàng Gia), ghi nhận lỗ trên 72 tỷ đồng. Công ty này đạt tổng doanh thu hơn 235 tỷ đồng, giảm 18,2% so với năm 2018. Riêng doanh thu từ kinh doanh casino chỉ đạt 97 tỷ đồng, giảm mạnh.

Còn casino Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) dù nằm trong khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm quy mô đầu tư hơn 4 tỷ USD, mở cửa từ giữa năm 2013, với 90 bàn chơi nhưng từ khi khai trương đến nay vẫn chưa đạt điểm hòa vốn. Báo cáo kiểm toán trong 2 năm 2016-2017, Hồ Tràm lỗ lũy kế trên 300 triệu USD.

Ngay cả casino đang thí điểm cho người Việt vào chơi cũng không tránh khỏi thua lỗ. Kết quả kinh doanh đến hết 2019 cho thấy, casino Phú Quốc có tổng lượt khách vào chơi là hơn 105 nghìn lượt, trong đó người Việt Nam là hơn 47,4 nghìn lượt, chiếm tỷ lệ 45%. Còn lại là người nước ngoài.

Tổng doanh thu lũy kế của casino Phú Quốc đạt 1.433 tỷ đồng. Trong đó doanh thu từ hoạt động kinh doanh casino có thuế đạt là 1.381 tỷ đồng, còn lại từ các nguồn doanh thu khác. Chi phí trả thưởng năm 2019 là 324 tỷ đồng. Số thuế đã nộp năm 2019 là 521 tỷ đồng.

Kết quả hoạt động kinh doanh casino năm 2019 đạt hơn 284 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2019 của Công ty CP Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc, kết quả kinh doanh lỗ 2.529 tỷ đồng, bao gồm kinh doanh casino và các hoạt động kinh doanh khác.

Hút khách và đóng thuế: Đừng cấm đoán nghiệt ngã

Chia sẻ với PV, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng: Hoạt động vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam cũng như quốc tế là phải gắn với du lịch. Do đó, cần có cơ chế chính sách để phát triển vui chơi giải trí có thưởng gắn với du lịch và kinh tế ban đêm. Việt Nam có thể nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chính sách phát triển vui chơi có thưởng gắn với du lịch và kinh tế ban đêm một cách bài bản, chuyên nghiệp gắn với cách thức quản lý chặt chẽ trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế như Trung Quốc Singapore, Malaysia. Bởi thực tế ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa có sản phẩm dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí đa dạng phong phú.

Nhắc đến câu chuyện casino ở Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực lưu ý việc khuyến khích dịch vụ này hay không cần cân nhắc giữa lợi và hại. "Chúng ta không khuyến khích một cách quá thể nhưng cũng không nên cấm đoán quá nghiệt ngã vì rõ ràng có nhu cầu. Về mặt nguyên tắc kinh tế thị trường, có cầu thì có cung”, ông Lực chia sẻ.

Về việc những dự án casino thua lỗ, ông Cấn Văn Lực đánh giá có thể do điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này chưa hoàn toàn phù hợp hoặc chủ đầu tư kém. Bản thân người chơi còn lưỡng lự, trong khi chủ đầu tư không dám làm mạnh do các quy định còn chưa rõ ràng.

Để dịch vụ này phát triển lành mạnh và thu thuế được, cần có những điều kiện kinh doanh rất cụ thể. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động casino cũng diễn ra xuyên biên giới. Cho nên cách tiếp cận, phương thức quản lý của cơ quan chức năng cũng phải khác so với trước đây.

Tại một hội thảo hồi tháng 6/2020 về hoạt động vui chơi có thưởng, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch - cho rằng: Vấn đề casino cho đến những năm gần đây vẫn là chủ đề “không được khuyến khích” ở Việt Nam. Hiện vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc chung, bao gồm cả các vướng mắc về quy hoạch. Do đó, cần có đánh giá đúng đắn, nhận thức phù hợp về casino nói riêng, hoạt động vui chơi giải trí có thưởng nói chung.

Hồi cuối tháng 5, ngoài kiến nghị các giải pháp nhằm phục hồi nền kinh tế nói chung, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng kiến nghị các giải pháp phát triển dịch vụ casino để nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch trong nước.

VAFIE cho rằng: Từ 1995, Chính phủ đã thí điểm hoạt động casino với việc cấp phép cho casino Đồ Sơn theo hình thức liên doanh, từ đó đã thu hút thêm hàng chục dự án. Tuy vậy hiệu quả kinh tế xã hội của lĩnh vực vui chơi có thưởng chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng của nó. Nguyên nhân chủ yếu, theo VAFIE, chưa có sự thống nhất về quan điểm, nhận thức giữa các bộ, ngành, chính quyền các địa phương nên còn vướng mắc trong việc hình thành thể chế, cơ chế, tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, góp ý: Đây là ngành công nghiệp không khói của thế giới, của thế kỉ 21. Tại sao chúng ta lại không làm? Nếu coi đó là lĩnh vực nhạy cảm thì chúng ta chỉ cần đưa ra các quy định dày hơn quy định của các nước.

“Ngày xưa bế quan tỏa cảng thì có thể cấm được việc đi ra nước ngoài chơi các dịch vụ đó. Nhưng giờ đây, người Việt sang du lịch Thái Lan, Singapore... không cần visa. Họ hoàn toàn có thể bay sang đó chơi, thay vì ở Việt Nam cứ phải thậm thà thậm thụt. Càng ngăn cấm thì càng đánh mất doanh thu dự kiến đóng góp thuế rất cao”, ông Nguyễn Ngọc Mỹ nói.

H.Duy/Vietnamnet
Cùng chuyên mục