Đến tháng 1/2021, ai phải cấp đổi thẻ Căn cước công dân gắn chip?
Tháng 1/2020 sẽ cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip
Bộ Công an vừa tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện 2 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư và dự án Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân.
Theo Bộ Công an, hội nghị lần này là để đánh giá đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ trong triển khai thực hiện 2 dự án nói trên, đồng thời chỉ rõ các nhiệm vụ, biện pháp, phân công lực lượng khi quá trình thực hiện 2 dự án chuyển sang giai đoạn 2.
Dự kiến trong tuần đầu của tháng 1/2021, Bộ Công an sẽ bắt đầu phát hành thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử.
Báo cáo cho thấy đến nay việc triển khai đường truyền và thực hiện bảo mật, an toàn hệ thống đã hoàn thành về cơ bản. Quá trình thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và kiểm tra, phúc tra thông tin công dân trong CSDLQGDC đang được khẩn trương thực hiện và đã hoàn thành khối lượng lớn công việc.
Đặc biệt, các trang thiết bị phục vụ hai dự án đang được vận chuyển tới các đơn vị địa phương theo kế hoạch.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh giai đoạn 2 là giai đoạn then chốt quyết định sự thành công của hai dự án.
Thông tin công dân trong CSDLQGDC sẽ được trích xuất và sử dụng để thực hiện sản xuất Căn cước công dân, theo đó người dân chỉ cần phải cung cấp hình ảnh và vân tay tròn mà không phải điền các tờ khai như hiện nay.
“Đây là bước cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong thực hiện thủ tục cấp Căn cước công dân” – ông Ngọc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Ngọc, CSDLQGDC được xây dựng có thể kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu ngành công an hoàn thành các dữ liệu để đến ngày 26/2/2021 chạy thử và đúng ngày 1/7/2021 sẽ chia sẻ dữ liệu với các cấp, các ngành trong toàn quốc.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị tuỳ theo chức năng nhiệm vụ để thực hiện các phần việc. Mục tiêu là vận hành hệ thống an toàn, hiệu quả.
Ông Ngọc nhấn mạnh ngay sau hội nghị này, toàn thể lực lượng CAND bước vào giai đoạn thực hiện “chiến dịch” của hai dự án với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng: “Đây vừa là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị, vừa là mệnh lệnh công tác và cũng là danh dự của lực lượng Công an nhân dân”.
Đối tượng cấp, đổi thẻ Căn cước công dân gắn chip
Trước đó, vào tháng 8/2020, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương tạm dừng tuyên truyền việc cấp đổi CMND và Căn cước công dân. Đối với trường hợp cần thiết phải cấp đổi (do hết hạn, mất, hư hỏng), vẫn được cấp, đổi như bình thường.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, việc tạm dừng này là nhằm "đón đầu" dự án Căn cước công dân mẫu mới và nhằm mục đích tránh lãng phí, góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, giảm chi phí và thời gian đi lại của công dân. Căn cước công dân mẫu mới là loại có gắn chíp điện tử, khác với loại thẻ Căn cước công dân hay CMND có 12 số hiện hành, có nhiều ưu điểm về bảo mật, lưu trữ thông tin... nhằm đảm bảo cho việc quản lý xã hội.
Liên quan đối tượng được cấp đổi thẻ Căn cước công dân mẫu mới, C06 cũng cho biết, Căn cước công dân gắn chíp được cấp mới cho người lần đầu được cấp, hoặc trong trường hợp có nhu cầu cấp, đổi. Đối với trường hợp đã được cấp thẻ Căn cước công dân dạng mã vạch vẫn sử dụng bình thường mà không cần thiết phải đổi lại, khi hết thời hạn sử dụng trong thẻ thì mới đổi lại.
Tương tự, người dân đã được cấp thẻ CMND loại 12 số cũng không cần phải thay đổi lại. Riêng người sử dụng CMND 9 số thì phải được cấp, đổi lại, bởi việc quản lý nhà nước về công dân sẽ căn cứ theo mã số định danh (12 số).
Căn Cước công dân gắn chip có tính bảo mật cao
Bộ Công an lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân mẫu thẻ Căn cước công dân mới.
Ngoài các trường thông tin cơ bản như hiện nay, thẻ Căn cước công dân sẽ có dòng mã ICAO (mã của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế), mã QR code (mã phản hồi nhanh hay mã vạch hai chiều) và phôi bảo an được gắn ở mặt trước.
Đặc biệt, thẻ Căn cước công dân theo mẫu mới sẽ được gắn chíp điện tử nhằm lưu trữ thông tin cơ bản của công dân. Chíp được gắn ở mặt sau của thẻ.
Theo Bộ Công an, việc gắn chíp điện tử trên thẻ Căn cước công dân với mục tiêu tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của chính phủ điện tử, chính phủ số.
Chíp gắn trên thẻ Căn cước công dân không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Bộ Công an cho rằng thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần…