Cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp: Lùi 2 tháng so với dự kiến
Thông tin từ Bộ Công an cho biết, quá trình chuyển đổi mẫu thẻ căn cước mới có gắn chíp cần xin ý kiến và có thông tư hướng dẫn cụ thể nên phải lùi thời hạn cấp đổi so với dự kiến trước đó (thay vì tháng 11/2020 nay lùi 2 tháng: tới 1/1/2021).
Thẻ căn cước công dân gắn chíp sử dụng công nghệ sản xuất khác nên phải đầu tư máy móc, thiết bị mới để đồng bộ và cấp cho tất cả các địa phương.
Với loại thẻ công nghệ mới, các địa phương sẽ tận dụng hệ thống lấy vân tay, thu nhận hình ảnh... của dự án trước, công việc chủ yếu còn lại là thay đổi phần mềm, lắp đặt, nâng cấp thêm đường truyền.
Trên thẻ Căn cước công dân gắn chip dự kiến có 20 trường thông tin do ngành công an quản lý (họ tên, năm sinh, quê quán...). Ngoài ra, thẻ sẽ tích hợp dữ liệu của ngành thuế, hải quan, bảo hiểm, bằng lái...
Thẻ Căn cước công dân gắn chip được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, giúp người dân trong tương lai đi làm thủ tục bớt phải mang theo cùng lúc nhiều giấy tờ.
Dự kiến, với loại thẻ Căn cước công dân gắn chip, đến tháng 7/2021, Bộ Công an sẽ cấp cho 50 triệu công dân.
Trước đó, ngày 3/9, Thủ tướng phê duyệt quyết định 1368 về chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân với tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng, trong đó việc gắn chip điện tử là phần nhỏ trong tổng thể dự án.
Dự án thẻ Căn cước công dân sẽ được triển khai đồng bộ song hành cùng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến vận hành đầu năm 2021. Bộ Công an ước tính giá thành thẻ Căn cước công dân gắn chíp đắt hơn thẻ vạch từ 10.000 đến 20.000 đồng.
Ngày 12/10, Bộ Công an bắt đầu lấy ý kiến góp ý cho Thông tư quy định mẫu thẻ Căn cước công dân gắn chip. Điểm khác biệt lớn nhất là mặt sau thẻ mới dự kiến thêm con chíp điện tử thay cho mã vạch điện tử màu đen; thêm dòng mã ICAO (mã của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế); mã QR code (mã phản hồi nhanh hay mã vạch hai chiều).