Đồng USD đang được định giá cao hơn nhiều loại tiền tệ khác: nhiều rủi ro tiềm ẩn

20/04/2021 11:33 GMT+7
Nhu cầu lớn về đồng bạc xanh đang đẩy giá đồng tiền này vượt xa các loại tiền tệ khác trong rổ tiền tệ, làm tăng rủi ro biến động thị trường.

Tờ Nikkei Asian Review nhận định tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 nhanh chóng ở Mỹ đang làm dấy lên kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ ở nền kinh tế, qua đó thúc đẩy nhu cầu đồng bạc xanh tăng lên.

Trong khi đó, về lý thuyết, đáng lẽ đồng USD sẽ giảm giá trị khi nợ chính phủ tăng vọt hậu đại dịch, theo nghiên cứu về tỷ giá hối đoái cân bằng EER của Nikkei và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản. Chỉ số Nikkei EER dựa trên các yếu tố cơ bản về kinh tế của một quốc gia như nợ chính phủ và số dư tài khoản vãng lai.

Sự khác biệt giữa giá trị lý thuyết và thực tế của đồng USD được dự báo sẽ gây ra biến động mạnh. Nếu đồng bạc xanh nhanh chóng suy yếu, nó có thể làm rung chuyển hệ thống tài chính và nền kinh tế toàn cầu, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề sau cuộc khủng hoảng đại dịch.

Đồng USD đang được định giá cao hơn nhiều loại tiền tệ khác: nhiều rủi ro tiềm ẩn  - Ảnh 1.

Đồng USD đang được định giá cao hơn nhiều loại tiền tệ khác: nhiều rủi ro tiềm ẩn

Tính đến sáng 20/4 (giờ Việt Nam), tỷ giá đồng USD dao động ở ngưỡng 1 USD đổi 108,13 JPY, cao hơn đáng kể so với giá trị lý thuyết của nó theo tỷ giá EER - 1 USD đổi 94 JPY. Nhìn chung, theo nghiên cứu của Nikkei, đồng tiền của một quốc gia đang chịu gánh nặng nợ chính phủ lớn và thâm hụt tài khoản vãng lai chắc chắn sẽ bị sụt giảm giá trị. 

Tỷ giá EER mà Nikkei đo lường tỷ giá đồng USD so với JPY đã dao động quanh mức 1 USD đổi 94 JPY từ quý IV/2020 đến nay, giảm mạnh từ mức 1 USD đổi 110 JPY trong cùng kỳ năm 2019 - thời điểm đại dịch chưa bùng phát.

Chính phủ Mỹ đã tung ra hàng loạt gói cứu trợ Covid-19 khổng lồ trong nỗ lực củng cố nền kinh tế, xoa dịu tác động của đại dịch. Trong khi đó, các chính sách giãn hoặc hoãn thuế đã khiến nguồn thu ngân sách giảm đi trông thấy, dẫn đến gánh nặng nợ chính phủ thêm to lớn.

Chính quyền Tân  Tổng thống Joe Biden khi vừa nhậm chức đã công bố một gói kích thích bổ sung trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Mới đây, ông Biden tiếp tục tiết lộ đề xuất gói chi tiêu cơ sở hạ tầng mang tên “Kế hoạch việc làm cho nước Mỹ” trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD. Nếu không đảm bảo được nguồn thu ngân sách, bao gồm cả chính sách tăng thuế, gánh nặng nợ chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ phình to.

Nợ chính phủ Mỹ đã tăng 19% trong năm 2020, nhiều hơn cả mức tăng 13% hồi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Khi tiêu dùng cá nhân ở Mỹ đang phục hồi nhanh chóng, có khả năng thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ mở rộng do nhập khẩu tăng. Về mặt lý thuyết, xu hướng suy yếu của đồng bạc xanh có nguy cơ sẽ tiếp tục. 

Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái thực tế của đồng USD đang di chuyển theo hướng ngược lại. Vào cuối tháng 3, tỷ giá USD có lúc chạm ngưỡng 1 USD đổi gần 111 JPY, mức cao nhất trong ít nhất một năm qua.

Sức mạnh của đồng USD trên thị trường tiền tệ phản ánh niềm tin vào nền kinh tế Mỹ. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,4% vào năm 2021, mức tăng trưởng lớn nhất trong 37 năm và đặc biệt cao so với phần còn lại của thế giới.

Nếu đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá, một số nền kinh tế mới nổi có các khoản nợ bằng đồng USD sẽ phải đối mặt với gánh nặng trả nợ gia tăng và nguy cơ vỡ nợ, từ đó gây rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.

Nikkei khuyến cáo các chính phủ cần chú ý chặt chẽ đến sự biến động tỷ giá hối đoái đồng USD, vì nó đóng vai trò như một phép thử cho nền kinh tế toàn cầu trong thời kỳ hậu khủng hoảng đại dịch.


NTTD
Cùng chuyên mục