Tiền kỹ thuật số: cuộc đua mới với Trung Quốc mà chính quyền Biden phải thắng

28/02/2021 10:27 GMT+7
Trong nhiều tháng qua, các quan chức tài chính Bắc Kinh không che giấu nỗ lực đẩy nhanh triển khai đồng tiền NDT kỹ thuật số như một động thái mở đầu chiến lược dài hạn quốc tế hóa đồng NDT và làm suy yếu vị thế thống trị hệ thống thanh toán toàn cầu của đồng USD.

Đối diện tham vọng như vậy của Trung Quốc, các quan chức tài chính hàng đầu của Mỹ không quá lo lắng. Ngay cả khi Trung Quốc đã triển khai cuộc thử nghiệm thứ 3 trên quy mô lớn về đồng tiền NDT kỹ thuật số, cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED cũng không vội vàng bắt kịp.

Tuần qua đánh dấu một bước ngoặt mới với Mỹ khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nhận định rằng Washington nên “bắn phát súng đầu tiên: cho việc thúc đẩy đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng Trung Ương phát triển (hay gọi tắt là CBDC). Bà Yellen cho rằng việc các ngân hàng Trung Ương xem xét triển khai đồng tiền kỹ thuật số là một xu hướng hợp lý. Thực tế đến nay, có ít nhất 70 quốc gia trên toàn cầu đang nghiên cứu tính khả thi của việc tung ra loại tiền tệ kỹ thuật số như vậy.

Trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ít lâu sau tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Yellen, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng thừa nhận đồng USD kỹ thuật số là một dự án ưu tiên cao trong thời gian tới. “Chúng tôi cam kết giải quyết các vấn đề công nghệ và tham vấn công chúng một cách minh bạch xem liệu chúng ta có nên triển khai dự án này hay không”.

Trong khi FED tham vấn, Trung Quốc đã thực thi điều này từ lâu.

Tiền kỹ thuật số: cuộc đua mới với Trung Quốc mà chính quyền Biden phải thắng - Ảnh 1.

Trung Quốc đã triển khai thử nghiệm quy mô lớn đồng NDT kỹ thuật số tới lần thứ 3

Cả bà Yellen và ông Powell đều không đề cập đến sự tiên phong của Trung Quốc trong việc phát triển đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung Ương quản lý, nhưng đó là thực tế lúc này. Trung Quốc đã ký kết một hiệp định thương mại tự do FTA với Mauritius, hiệp định đầu tiên với một quốc gia châu Phi trong một thỏa thuận nhằm tạo ra một nền tảng thử nghiệm tiền tệ kỹ thuật số. Các chuyên gia Lauren Johnston và Marc Lanteigne từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định: “Khi Trung Quốc triển khai dự án tiền tệ kỹ thuật số của mình, Mauritius có tiềm năng dẫn đầu trong lĩnh vực này ở khu vực châu Phi”. Nguyên nhân lớn nhất là do FTA mà Trung Quốc ký với Mauritius có nội dung thúc đẩy sự phát triển hệ thống thanh toán bằng đồng NDT trên lãnh thổ quốc gia châu Phi này.

Ở trong nước, Trung Quốc cũng tiến hành thử nghiệm quy mô lớn đồng NDT kỹ thuật số tại Bắc Kinh, phát hàng triệu USD cho một nhóm người ngẫu nhiên để sử dụng loại tiền tệ này trong thanh toán và giao dịch tại các sàn thương mại điện tử lớn như JD.com. 

Có vẻ như Trung Quốc tham vọng ra mắt đồng NDT trước thời điểm Thế vận hội Mùa đông lần thứ 24 diễn ra vào cuối năm 2022 tại Bắc Kinh. Có một dự đoán là các nhà chức trách Trung Quốc có thể yêu cầu những người tham gia Thế vận hội tải một ứng dụng sử dụng đồng NDT kỹ thuật số để thanh toán mọi chi phí từ vé xem Thế vận hội, khách sạn, ăn uống, quà lưu niệm…

Còn quá sớm để nói rằng Trung Quốc đang thống trị việc phát triển đồng tiền kỹ thuật số cho đến nay, tương tự như khi nước này tiên phong trong việc phát triển tiêu chuẩn công nghệ viễn thông di động 5G thế hệ mới. Khi chính quyền Trump trừng phạt Huawei và ZTE, vẫn không đối thủ nào có thể cạnh tranh với các nhà cung cấp và nhà sản xuất thiết bị 5G của Trung Quốc trên toàn cầu. Không thể thừa nhận Trung Quốc đã đạt những tiến bộ công nghệ đáng kể trong thời đại mà trình độ công nghệ cao cũng là một yếu tố khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Nhưng rõ ràng, ở mặt trận đồng tiền kỹ thuật số, Mỹ không nên mất vị thế tiên phong. Nếu Mỹ đánh mất lợi thế đổi mới công nghệ tài chính, khiến vai trò thống trị hệ thống thanh toán của đồng USD trên toàn cầu, thì đó sẽ là thắng lợi lớn cho Bắc Kinh.

Tất nhiên, Mỹ có những khó khăn nhất định. Việc các quan chức Mỹ và EU cần phải đảm bảo những lo ngại về quyền riêng tư sẽ làm phức tạp thêm sự phát triển của đồng tiền kỹ thuật số CBDC. Trong khi đó tại Trung Quốc, cách tiếp cận của Bắc Kinh trong vấn đề quyền riêng tư mang đến cho nước này lợi thế cạnh tranh lớn về thời gian. 

Có thể hiểu rằng FED lo lắng về những thách thức  lớn nếu quá vội vàng triển khai đồng USD kỹ thuật số với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới. Tuy nhiên, mối nguy lớn hơn về địa chính trị là Mỹ đang tụt hậu nhanh so với Trung Quốc.

Vẫn còn cơ hội cho Mỹ giành chiến thắng trong cuộc đua này nếu FED nhanh chóng phát triển đồng USD kỹ thuật số, đồng thời hợp tác tạo ra đồng EUR kỹ thuật số, đồng GBP kỹ thuật số và đồng JPY kỹ thuật số. Sức mạnh tổng thể của những đồng tiền kỹ thuật số từ các nền kinh tế lớn là đồng minh của Mỹ sẽ giúp nhanh chóng thu hẹp khoảng cách đổi mới. Nó cũng sẽ chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của việc hợp tác với các đồng minh, một trọng tâm của chính sách đối ngoại mà chính quyền Biden theo đuổi.


(Bài phân tích của Frederick Kempe, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Đại Tây Dương, một trong những tổ chức tư vấn có ảnh hưởng nhất nước Mỹ trong các vấn đề toàn cầu)


NTTD
Cùng chuyên mục