Dòng vốn trăm triệu USD đổ vào startup Việt đầu năm mới

23/02/2021 07:34 GMT+7
Trên bước đường tạo ra những kỳ lân mới, lĩnh vực thanh toán, giáo dục, sức khỏe, cũng như các công nghệ mới nổi được kỳ vọng vun đắp cho "tổ" kỳ lân Việt Nam.

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trong những năm qua, Việt Nam đã có chuyển biến đáng ghi nhận về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tính đến năm 2019, Việt Nam có khoảng 3.000 startup.

Đến năm 2020, Việt Nam có 2 startup định giá trên 1 tỉ USD và khoảng 10 công ty khởi nghiệp có định giá hơn 100 triệu USD, theo Google và Temasek. Hiện Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 5 kỳ lân công nghệ vào năm 2025 và 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030.

Trên bước đường tạo ra những kỳ lân mới, lĩnh vực thanh toán, giáo dục, sức khỏe, cũng như các công nghệ mới nổi được kỳ vọng vun đắp cho "tổ" kỳ lân. Ngay trong ngày đầu năm mới, nhiều công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận vốn mang về tín hiệu khả quan.

Đi đầu trong xu hướng này, MoMo đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D) từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, trong đó có các nhà đầu tư mới Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital, cùng các nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu.

Hiện nay, MoMo có 120.000 điểm chấp nhận thanh toán và 30.000 đối tác kinh doanh. MoMo đang kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế lớn nhất tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ cho hơn 90% người dân có tài khoản ngân hàng trên cả nước.

Mặc dù thị trường đã có những thay đổi đầy thách thức trong năm 2020, MoMo đã đạt được những kết quả kinh doanh ngoạn mục với lượng khách hàng tăng hơn gấp đôi, đạt 23 triệu khách hàng và tổng sản lượng giao dịch tăng 3,5 lần, đạt con số 14 tỷ USD.

Dòng vốn trăm triệu USD đổ vào startup Việt đầu năm mới - Ảnh 1.

MoMo đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D) từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới

Không lâu sau đó, Gpay thuộc Tập đoàn Công nghệ G-Group công bố gọi vốn thành công vòng Series A từ Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc với định giá 425 tỷ đồng thông qua Công ty Chứng khoán KB - một thành viên của tập đoàn ở Việt Nam.

Ra đời năm 2018, Gpay bắt đầu là ứng dụng hỗ trợ kết nối dịch vụ chuyển tiền 24/7, cung cấp dịch vụ như các ATM di động đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, đạt 50 triệu USD tổng giá trị giao dịch và hiện diện tại 42 tỉnh thành phố trong năm 2019.

Gpay đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới tới 63 tỉnh thành phố của Việt Nam và cung cấp toàn diện các dịch vụ thanh toán và tài chính bao gồm: cổng thanh toán, ví điện tử, thu hộ chi hộ và đầu tư số... cho hơn 5 triệu người dùng vào năm 2023.

Trong lĩnh vực sức khỏe, quỹ ABC World Asia đã thông báo chính thức về việc đầu tư 24 triệu USD trong vòng Series B vào Nha Khoa Kim. Trước đó, Nha Khoa Kim cũng đã được đầu tư bởi quỹ Aura Private Equity và các nhà đầu tư khác.

Nha Khoa Kim có trụ sở tại TP. HCM, thành lập được 4 năm, chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng, hiện đang vận hành 19 phòng khám trải rộng trên toàn quốc, với 120 bác sĩ và hơn 600 nhân viên phục vụ hơn 23.000 bệnh nhân mỗi tháng.

Dòng vốn trăm triệu USD đổ vào startup Việt đầu năm mới - Ảnh 2.

Nhà sáng lập Văn Đinh Hồng Vũ của startup ELSA

Lĩnh vực giáo dục ghi nhận startup ELSA với Elsa Speak - ứng dụng học nói tiếng Anh do Văn Đinh Hồng Vũ và tiến sĩ Xavier Anguera người Bồ Đào Nha sáng lập huy động vốn thành công vòng Series B với tổng số vốn lên đến 15 triệu USD.

ELSA được Forbes nhắc đến trong danh sách 4 công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo thay đổi thế giới, và lọt vào top 5 các ứng dụng A.I hàng đầu hiện nay sánh hàng cùng với Cortana của Microsoft và Google Allo của Google.

Startup công cụ livestream đa nền tảng GoStream vừa công bố đã đạt thoả thuận đầu tư từ VinaCapital Ventures để tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh phát triển.

Startup này đang phục vụ nhiều khách hàng doanh nghiệp và hỗ trợ hơn 100 nghìn lượt phát trực tiếp mỗi ngày. Năm 2019, GoStream được Facebook đưa vào danh sách 1 trong 30 nền tảng được sử dụng để livestream nhiều nhất trong 30 ngày trên thế giới.

Trước đó, Icetea Platform cũng nhận vốn đầu tư từ Rikkeisoft, với mục tiêu tiến sang thị trường Nhật Bản. Icetea phát triển hệ thống điểm thưởng không cần thủ tục phức tạp; quy trình quản lý nhân sự tinh gọn phù hợp với các startup.

Bằng việc ứng dụng công nghệ Blockchain, thông tin nhân sự được mã hóa và bảo mật. Các dữ liệu liên quan đến việc tặng - nhận điểm thưởng được ghi lại và đổi thành các phần quà không chỉ trong nội bộ doanh nghiệp mà còn trong hệ sinh thái của Icetea.

Việt Hưng
Cùng chuyên mục