Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tức tốc về đích cuối năm 2022
Ban QLDA Thăng Long vừa cho biết, tiến độ dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã đạt gần 64%, trên công trường có hàng nghìn công nhân với 69 mũi thi công ngày đêm thi công.
Thông tin về quá trình thi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long cho hay, từ đầu tháng 11, nhiều vị trí đường điện cao thế, trung thế qua hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận đã được di dời đã tạo thuận lợi đẩy nhanh thi công vào giai đoạn nước rút.
Đại diện liên danh Phương Thành - Cienco4 thi công gói thầu XL02 cho biết, trước đây gói thầu bị vướng cột điện 500Kv tại Km30 nên công tác thi công không được liền mạch.
Cuối tháng 10 ngành điện lực đã di dời xong đường điện. Gói thầu đang vào giai đoạn nước rút chúng tôi tập trung mọi nguồn lực để đưa gói thầu cán đích sớm. Phạm vi vướng công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại không đáng kể. Các vị trí còn vướng đường điện trung thế, địa phương đã phối hợp ngành điện lực nâng cao tĩnh không dây điện đảm bảo thi công.
Đối với đoạn tuyến qua Đồng Nai, cuối tháng 10 còn vướng 14 vị trí cột điện trung thế, đường viễn thông, 20 vị trí đường điện dân sinh. Đến nay địa phương đã phối hợp ngành điện lực di dời xong hàng chục vị trí đường điện. Hiện chỉ còn 1 vị trí đường điện dân sinh và 1 vị trí cột camera ATGT đang được gấp rút thi công di dời.
Về tiến độ thi công hiện nay, các nhà thầu đang triển khai 69 mũi thi công trên toàn tuyến. Sản lượng thi công đến ngày 8/11 đạt 63,77% hợp đồng (đạt 73,53% giá trị hoàn thành thông xe kỹ thuật cuối tháng 12/2022).
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài hơn 99km đi qua 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai. Tuyến cao tốc này được khởi công vào cuối tháng 9/2020, dự kiến cuối năm 2022 sẽ thông xe kỹ thuật.
Theo kế hoạch dự kiến, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành cuối năm nay và được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản, du lịch tại khu vực này.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, gồm cả chi phí xây dựng, thiết bị, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư...
Tuyến cao tốc này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận. Khi hoàn thành, hành trình từ TP HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né được rút ngắn một nửa, còn 2 - 2,5 tiếng. Cao tốc sẽ kết nối với sân bay Long Thành.