Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Bộ trưởng KHĐT làm chủ tịch Hội đồng thẩm định

13/07/2019 11:26 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Trong đó, người đứng đầu Hội đồng thẩm định Nhà nước là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ, ngành: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, còn có lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đường sắt cao tốc. (Ảnh: Minh hoạ)

Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng và Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.

Hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập Dự án để thẩm tra Báo cáo NCTKT Dự án theo đúng quy định. Việc thuê tư vấn thẩm tra và chi phí thẩm định, thẩm tra Dự án thực hiện theo quy định tại các Điều 10, Điều 11, Điều 12 Nghị định số 131/2015/NĐ-CP.

Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng về việc xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chỉ cần đến 26 tỷ USD, rẻ hơn 32 tỷ USD so với phương án Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình Thủ tướng Chính phủ,

Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, trên cơ sở định hướng Chiến lược, Quy hoạch phát triển GTVT đường sắt và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1672/VPCP-KTN ngày 15/3/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam.

Từ năm 2017, Bộ GTVT đã tổ chức rà soát các nghiên cứu trước đây về dự án và tổ chức nghiên cứu cập nhật, bổ sung. Quá trình triển khai, Bộ GTVT đã tổ chức 4 hội nghị, hội thảo chuyên đề và các báo cáo (đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ) để xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan và các chuyên gia.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã trực tiếp làm việc, có ý kiến chính thức bằng văn bản của 20/20 địa phương có dự án đi qua; lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan tại văn bản 12919/BGTVT-KHĐT ngày 14/11/2018 về việc góp ý hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam (cho đến thời điểm 05/01/2019, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến của 9/10 bộ, ngành về cơ bản thống nhất với đề xuất hồ sơ của Bộ GTVT trình Thủ tướng).

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở kết quả nghiên cứu về phạm vi, quy mô, phương án công nghệ...; căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành về lập tổng mức đầu tư dự án. Tư vấn trong nước (với sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài) đã đề xuất tổng mức đầu tư dự án là 58,7 tỉ USD. Ngày 14/02/2018, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 1281/TTr-Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Với tổng mức đầu tư rất lớn của dự án, phương án phân kỳ đầu tư bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu vận tải nhằm đảm bảo hiệu quả dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng đã nghiên cứu khả năng huy động nguồn lực nhằm giảm áp nợ công của nền kinh tế.

Cụ thể, 2 phương án phân kỳ đầu tư gồm: Phương án phân kỳ theo chiều ngang: Đầu tư hoàn chỉnh và khai thác đồng bộ đường sắt tốc độ cao trên từng đoạn. Tốc độ thiết kế là 350km/h. Giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang với tổng mức đầu tư dự kiến là 24,7 tỉ USD. Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến (mặc dù được phân thành 02 giai đoạn nhưng thực chất đây là một quá trình đầu tư liên tục) tổng mức đầu tư là 33,98 tỉ USD...

Thế Anh
Cùng chuyên mục