Dự án môi trường triệu đô ở Nha Trang được gia hạn 18 tháng
Ngày 24/3, Ban Quản lý Dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thống nhất chủ trương gia hạn Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang thêm 18 tháng.
Trước đó, tại kết luận vào ngày 25/2, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa giao Ban Quản lý Dự án Phát triển Khánh Hòa hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư để gia hạn thực hiện thêm 18 tháng, phối hợp Sở KHĐT tham mưu nội dung báo cáo lại HĐND tỉnh Khánh Hòa tại kỳ họp tháng 3/2022.
Được biết, Tiểu dự án Nha Trang có tổng giá trị đầu tư lên đến 72 triệu USD. Trong đó, bao gồm 60,6 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và 11,4 triệu USD nguồn vốn đối ứng.
Trong năm 2021, Tiểu dự án Nha Trang đã giải ngân 193 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch đề ra. Tuy đạt được tỉ lệ giải ngân là 100% nhưng công tác giải phóng mặt bằng của dự án còn chậm. Theo cam kết với World Bank, Tiểu dự án Nha Trang phải kết thúc trước ngày 31/12/2022.
Tuy nhiên, xét thấy không thể đạt được mục tiêu tiến độ đề ra, tháng 6/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản kiến nghị World Bank xem xét chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án thêm 12 tháng để hoàn thành toàn bộ các hạng mục công việc, kể cả các hạng mục bổ sung đầu tư từ nguồn vốn dư (đến ngày 31/12/2023).
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng chậm tiến độ của dự án Tiểu dự án Nha Trang. Theo báo cáo đến tháng 1/2022 của Ban Quản lý Dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa, đối với hạng mục Kè và đường phía Nam Sông Cái, do ảnh hưởng Covid-19 nên Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh phải nhiều lần tạm hoãn công tác kiểm kê; các trường hợp ở xa không có mặt ở nhà để phối hợp, một vài hộ dân không cung cấp giấy tờ gây khó khăn cho Tổ công tác.
Hạng mục đường Chử Đồng Tử, Kè phía Bắc sông Cái đến nay còn tồn đọng 37 thửa đã kiểm kê lại sau điều chỉnh ranh giới giải phóng mặt bằng nhưng các hộ dân không phối hợp ký biên bản.
Ngoài ra, hạng mục nhà máy xử lý nước thải còn 8 hộ dân có đất tranh chấp đất đai; 2 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nằm trong ranh đất nhà nước quản lý nên chưa có cơ sở bồi thường, hỗ trợ; 5 hộ sử dụng đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công ích do xã Vĩnh Ngọc quản lý không được bồi thường…
Chưa hết, công tác giải phóng mặt bằng hạng mục tuyến cống hộp trên đường số 4 gần như không có chuyển biến; công tác triển khai di dời hạ tầng kỹ thuật tại các hạng mục còn quá chậm, đặc biệt tại hạng mục nhà máy xử lý nước thải, đường và kè Nam sông Cái.