Dự báo thị trường bất động sản cuối năm 2022: Thanh khoản sẽ tiếp tục giảm?
Thị trường bất động sản đang chững lại
Đầu năm 2022, thị trường bất động sản ở các địa phương vẫn liên tục lên cơn sốt đất như vùng ven Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên…Thậm chí nhà đầu tư trao tay nhau chỉ trong thời gian ngắn cũng lãi vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không còn diễn ra những cảnh nhà đầu tư xếp ô tô hàng dài để xem, mua đất nữa, thay vào đó là không khí trầm lắng bao trùm thị trường. Mặc dù bây giờ vẫn chưa xảy ra tình trạng bán tháo, nhưng hiện tượng lệch pha cung - cầu đã có, người mua ít nhưng người bán nhiều.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, giá căn hộ chung cư tuy vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, song chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II năm nay.
Còn đối với phân khúc giá nhà ở riêng lẻ, đất nền cho xây dựng nhà ở tại các dự án trong quý II năm nay, Bộ Xây dựng cũng cho biết đang có xu hướng chững lại ở hầu hết các địa phương khi các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác được phục hồi, bình thường trở lại.
Thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy quá nửa nguồn cung bất động sản nhà ở thuộc phân khúc căn hộ thấp tầng, đất nền trong khi căn hộ bình dân gần như vắng bóng. Những bất trắc trong kênh huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp khiến chủ đầu tư các dự án đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án.
Ngoài ra, việc cấp phép chậm cho các dự án một lần nữa khiến nguồn cung bất động sản nhà ở gặp khó. Với những nhà đầu tư cá nhân và hộ gia đình đang sở hữu bất động sản, nguy cơ lạm phát trên phạm vi toàn cầu khiến họ càng có nhu cầu nắm giữ tài sản thay vì bán ra và thu tiền. Những yếu tố nói trên dự báo thị trường bất động sản nhà ở trong nửa cuối năm 2022 sẽ gặp khó về nguồn cung. Điều này khiến giá nhà ở sẽ tiếp tục tăng cao, thiết lập nhiều mặt bằng mới. Vô hình chung khiến nhà đầu tư ngại "xuống tiền" còn người có nhu cầu ở thực cũng không mua vì giá quá cao.
Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng tâm lý của nhà đầu tư đang xuống thấp bởi giai đoạn dòng tiền dễ của thị trường bất động sản đã qua đi. Những điều chỉnh về chính sách gần đây khiến vốn đổ vào thị trường thời gian tới sẽ có sự chọn lọc gắt gao hơn. Thị trường đang đạt trạng thái lý tưởng cho người mua để ở hơn là đầu tư lướt sóng.
Chuyên gia nhận định thanh khoản thị trường bất động sản tiếp tục giảm
Các chuyên gia nhận định, giới đầu tư, đầu cơ đang chịu sức ép kiểm soát tín dụng, các phản ứng đã chuyển từ tâm lý lo ngại sang hành vi xả hàng, phòng thủ. Do cạnh tranh để xả hàng và khó khăn tài chính hoặc muốn dịch chuyển dòng vốn, buộc họ phải chấp nhận giảm giá bất động sản, tức biên lợi nhuận thực tế bị hạ xuống đáng kể so với kỳ vọng ban đầu.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế dự báo, trong những tháng cuối năm, thanh khoản giảm toàn thị trường, đặc biệt giảm mạnh ở khu vực bất động sản chưa thể tạo ra dòng tiền khai thác, kinh doanh và các bất động sản giá trị lớn. Chuyên gia nhấn mạnh, việc giảm thanh khoản đã xuất hiện từ quý I nhưng đến bây giờ mới thực sự bắt đầu.
"Bất động sản tại nhiều khu vực sẽ có khả năng giảm giá. Đó là các khu vực từng sốt đất, thu hút nhiều nhà đầu tư nhưng đến hiện nay việc đầu tư hạ tầng và khai thác kinh doanh không đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, đất nền nhiều khu vực cũng sẽ giảm giá. Phải sang đến năm 2023, thị trường bất động sản sẽ phục hồi cục bộ, xuất hiện đầu tư lướt sóng ở một số khu vực, các nhà đầu tư trung hạn bắt đầu giải ngân", ông Hiển nhận định.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng thời gian qua, thị trường bất động sản cực sôi động do dòng tiền lớn đổ vào thị trường. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, từ các động thái từ vĩ mô, dòng tiền có tâm lý dè chừng.
"Hiện nay, thị trường bất động sản đã rất tốt hơn giai đoạn đóng băng trước kia, nhưng các yếu tố vĩ mô cũng đang tác động không nhỏ. Do đó, dòng tiền vào bất động sản đang cẩn trọng hơn giai đoạn trước. Theo đó, tình trạng lệch pha cung - cầu càng lớn, người bán nhiều nhưng người mua ít. Dòng vốn cực kỳ quan trọng đối với bất động sản, thị trường có sôi động hay không phải phụ thuộc vào điều này", ông Điệp nhận định.
Còn ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng như: lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt. Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.